Để thả rông chó, chủ nuôi sẽ bị phát rất nặng từ hôm nay (15.9). Ảnh: Minh họa
Vẫn mơ hồ quy định rọ mõm chó
Cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên.
Còn quy định cũ, chó chạy rông bị Chi cục Thú y bắt giữ thì chủ nuôi chỉ đóng phạt hành vi “thả rông động vật nuôi trong TP, thị xã hoặc nơi công cộng”, mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Người nuôi vẫn mơ hồ về quy định mới. Ảnh: ANTĐ
Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết, theo Thông tư quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn (Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT) của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ, chủ nuôi chó khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Trường hợp chó cắn, cào người khác thì chủ phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định.
Mặc dù nghị định đã có hiệu lực thi hành nhưng khi khảo sát tại Hà Nội, trên các đường phố hoặc các không gian công cộng như công viên, đường phố vẫn xuất hiện những chú chó được chủ vô tư thả rông mà không hề được rọ mõm. Trong khi đó, nhiều chủ nuôi chó khi nghe hỏi chuyện vẫn tỏ ra mơ hồ về thông tin này và biện minh rằng, dù thả rông chó nhưng vẫn luôn giám sát từ xa.
Các địa phương lúng túng
Cũng theo Nghị định 90/2017, chủ tịch UBND cấp xã - phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó...
Ông Hoách Văn Duyên - Chủ tịch UBND phường 15, quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết trước tiên, phường sẽ tuyên truyền để người dân biết quy định mới. Sau đó, phường sẽ xử phạt khi nhận phản ánh của người dân và tổ tuần tra. Khi phát hiện các điểm nóng, phường sẽ thành lập đoàn kiểm tra.
Đội bắt chó thả rông tại TP. Hồ Chí Minh rất vất vả để bắt chó không đeo rọ mõm. Ảnh minh họa
Tại Hà Nội, nhiều lãnh đạo UBND phường tại Hà Nội phân trần, hằng ngày ở cấp phường vốn có rất nhiều việc cần phải giải quyết mà các quy định nào khi ra đời đều giao về cấp phường thực hiện nên rất khó xử lý.
“Phường không có lực lượng chuyên trách, không đủ chuyên môn để xử lý. Ví dụ, với việc phạt thả rông chó, nếu không xác định được chủ thì phải bắt chó đi tiêu hủy nhưng gặp phải chó dữ thì sao bắt được?
Được biết, Chi cục Thú y Hà Nội sẽ thành lập các tổ chuyên trách để bắt chó thả rông và tạm giữ chó bị bắt và áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi.
Đối với chủ vật nuôi cần phải đăng ký việc nuôi chó, mèo ở UBND cấp phường, xã. Khi nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên nhà, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến người xung quanh.
Khẳng định việc buộc phải đeo rọ mõm, xích giữ chó, có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng... là hợp lý, cần thiết nhưng luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng áp dụng quy định này vào thực tế sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Số lượng vật nuôi lớn, phân tán sẽ gây khó khăn cho việc quản lý của cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng để kiểm soát hoàn toàn việc chấp hành quy định của người dân. Chưa kể, nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ nên sẽ vi phạm thường xuyên.
Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng với người dân, tăng cường lực lượng kiểm tra, đồng thời phải quyết liệt trong xử lý để tạo tính răn đe, hạn chế vi phạm.