dd/mm/yyyy

Xây dựng nông thôn mới ở một xã đặc biệt khó khăn

Là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới nhưng với sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền cho đến mỗi người dân, xã Suối Bau đã khơi dậy được phong trào xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Nằm cách trung tâm huyện hơn 30km, có 642 hộ đồng bào dân tộc Mông, Thái, Kinh, Mường với 3.732 nhân khẩu phân bố tại 10 bản, trong đó dân tộc Mông chiếm 99,8%. Đất đai của xã chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn và bị chia cắt nhiều bởi các đồi, núi và khe suối lớn nhỏ… Khó khăn là vậy, nhưng khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ cán bộ cho đến người dân ai cũng đồng lòng.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những tuyến đường đất khó đi đến các bản của Suối Bau đang dần được bê tông hóa.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những tuyến đường đất khó đi đến các bản của Suối Bau đang dần được bê tông hóa.

Có mặt ở xã Suối Bau vào một buổi sáng đầu tháng 12, xuôi vào các bản, chúng tôi bắt gặp từng tốp bà con đang cặm cụi làm đường giao thông dẫn về bản Suối Khoa, Suối Chèo, Chắt A, Chắt B… Không khí làm đường thật sôi động, cảm nhận rõ được niềm vui, sự phấn khởi của bà con khi từng mét đường bê tông đang thay thế dần những đoạn đường đất nhỏ.

Dừng tay vận hành chiếc máy trộn bê tông, ông Giàng A Xà, Trưởng bản Suối Khoa, bảo: “700m đường về bản trước đây hẹp, khó đi lắm, đến ngựa còn phải chùn chân. Mặc dù bản còn nhiều khó khăn, hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ cao nhưng với sự đồng lòng của 20 hộ trong bản, sự hỗ trợ của nhà nước, chúng tôi đã góp 110 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường. Cả tuyến đường dẫn vào 4 bản Suối Khoa, Suối Chèo, Chắt A và Chắt B dài gần 4.800m, nhân dân 4 bản đóng góp 713 triệu đồng để hoàn thiện. Bà con vui lắm, bởi tết này sẽ có đường bê tông mới để đi”.

Ông Mùa A Dê - Chủ tịch UBND xã Suối Bau, cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã Suối Bau còn cao, trong đó hộ nghèo chiếm gần 61%, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 9 triệu đồng/năm. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các bản còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của xã. Do vậy, để giải quyết những khó khăn chung, xã đã thống nhất trước tiên phải giải quyết vấn đề đường giao thông trước. Bởi đường đi lại thuận tiện đến các bản sẽ là cơ sở để thực hiện tiếp các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã mới đạt 6 tiêu chí.

Đến xã Suối Bau hôm nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng lòng từ xã đến các bản, bộ mặt xã đang dần đổi thay khi các công trình trường học, chợ trung tâm, nhà văn hóa đang được triển khai xây dựng. Thậm chí, nhiều hộ tại các bản có dự án đi qua còn góp đất để cùng xã triển khai các công trình, như: Trung tâm xã, nhà ở bán trú cho học sinh, trường THCS xã và đường vào các bản, góp phần làm thay đổi diện mạo một xã vùng cao đặc biệt khó khăn như Suối Bau.

Ông Thào A Nênh, bản Suối Chèo, hộ đã hiến 600m2 đất để xây dựng trường THCS, bảo: “Sau khi nắm được chủ trương xây dựng nông thôn mới bà con chúng tôi ủng hộ ngay. Mình góp chút công sức cùng xã xây dựng các công trình thì sau này con cháu mình sẽ được hưởng lợi. Nếu ai cũng nghĩ cho mỗi gia đình mình thì làm sao xây dựng được xã, bản giàu mạnh”.

Từ việc xây dựng nông thôn mới ở xã đặc biệt khó khăn Suối Bau cho thấy: Chủ trương xây dựng nông thôn mới chỉ thành công khi cấp ủy, chính quyền các cấp làm cho người dân thấy rõ được lợi ích mà chính người dân sẽ được hưởng từ chương trình. Bởi lẽ, để xây dựng một xã đạt chuẩn nông thôn mới cùng những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp hay những công trình dân sinh phục vụ hiệu quả lợi ích người dân… thì sự đồng lòng từ cấp ủy, chính quyền cho đến mỗi người dân là khâu then chốt quyết định.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn