dd/mm/yyyy

Xã vùng biên Thuận Hạnh sắp cán đích nông thôn mới

Mặc dù là xã vùng biên còn nhiều khó khăn, nhưng được sự đồng thuận của nhân dân, Thuận Hạnh (huyện Đăk Song, Đăk Nông) sắp cán đích nông thôn mới (NTM).

Chú trọng nâng cao đời sống nhân dân

Bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, Thuận Hạnh có xuất phát điểm khá thuận lợi đó là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã được đầu tư trước đó và đang phát huy hiệu quả. Song, với địa hình đồi dốc, suối khe chia cắt, nên nhiều khu vực trong xã, giao thông đi lại vẫn rất khó khăn.

Người dân Thuận Hạnh chăm sóc tiêu.
Người dân Thuận Hạnh chăm sóc tiêu.

Ngay từ đầu, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định, mục tiêu đầu tiên trong việc xây dựng NTM chính là nâng cao đời sống cho người dân, từ đó tạo sự đồng thuận để huy động nguồn lực từ dân.

Ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho biết: “Việc huy động nguồn lực từ nhân dân luôn phụ thuộc vào giá cả nông sản của mỗi mùa vụ sản xuất. Bởi khi nông sản bán được giá thì người dân mới có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng mà không đắn đo suy nghĩ. Chính vì vậy, xã Thuận Hạnh xác định mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu”.

Từ định hướng đó, những năm qua, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống mới, xây dựng các mô hình sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP như: Sản xuất rau quả hữu cơ, trồng cà phê, hồ tiêu sạch gắn với thị trường tiêu thụ. Theo ông Tuân, nhờ sự vào cuộc quyết liệt này, mà đến nay thu nhập bình quân của xã đạt 41 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2018 giảm còn 4,7%...

Huy động sức dân, nỗ lực cán đích

Ông Tuân cho biết, chính nhờ đời sống được nâng cao, hàng năm việc huy động sức dân để sửa chữa và xây dựng mới các tuyến giao thông thôn, bản thuận lợi hơn. Điển hình như gia đình ông Phạm Văn Thiếu ở thôn Thuận Hòa đã tiên phong tự tháo dỡ hàng rào, nhổ bỏ cây trồng và đóng góp 20 triệu đồng để làm đường. Ngoài ra, ông còn hiến 2.000m2 để xây dựng trường mầm non của thôn và hiến 700m2 xây dựng nhà quản lý địa bàn của bộ đội biên phòng.

Trường mầm non được xây dựng trên mảnh đất của ông Thiếu Hiến. Ảnh: D.H
Trường mầm non được xây dựng trên mảnh đất của ông Thiếu Hiến. Ảnh: D.H

Ngoài ra, trên địa bàn xã các công trình giao thông, địa phương không phải thực hiện giải tỏa, đền bù mà hầu hết đều được người dân hiến đất, đóng góp tiền của để làm. Đến nay, toàn bộ 17,5km đường trục xã đã đạt chuẩn. Toàn xã có 47,5km đường trục thôn đã cứng hóa 31km, 50km đường ngõ, xóm, hiện tại đã đầu tư bêtông hóa, nâng cấp được 30km, giúp người dân và các phương tiện ôtô vận chuyển nông sản đi lại thuận tiện quanh năm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuân, hiện tại xã còn hai tiêu chí là tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức chính trị xã hội là chưa hoàn thành. Trong tiêu chí trường học, hiện trên địa bàn xã chưa có trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là cái khó để xã phấn đấu về đích cuối năm nay, nhưng cũng là cơ hội để hệ thống cơ sở vật chất trường học của địa phương được đầu tư hoàn chỉnh hơn.

Để hoàn thành được tiêu chí số 5, Thuận Hạnh sẽ tiếp tục huy động nguồn lực từ nhân dân đầu tư xây dựng các trường học, ưu tiên, bố trí ngân sách, sửa chữa những hạng mục bị xuống cấp, đẩy mạnh chương trình xã hội hóa giáo dục đến phụ huynh học sinh, huy động tối đa nguồn đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất trường học…

Duy Hậu