dd/mm/yyyy

‘Vua lan’ Tây Bắc và thú chơi tao nhã kiếm bạc tỉ

Thú chơi tao nhã “ngắm lan nở, thưởng trà đạo” đã vô tình biến anh thành “Vua” lan Tây Bắc kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng hoa lan, không chỉ vậy, anh còn thay người Nhật nghiên cứu trồng thành công dây tây trên đất cao nguyên này…

Mỗi năm anh Tuấn xuất bán hàng trăm, thậm chí cả nghìn giỏ, chậu lan thu về hàng tỉ đồng

Là tù nhân, người tình của lan

Người chúng tôi đang nhắc đến là anh là Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 1962 ở Bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La). Tốt nghiệp Khoa đạo diễn trường Sân khấu Điện ảnh, những tưởng anh sẽ gắp bó với nghiệp đạo diễn. Song lan đã khiến cuộc đời anh rẽ theo một hướng khác, gắn bó với thiên nhiêu, yêu cỏ cây, hoa lá và “dâng hoa đẹp cho đời”.

 Khi mới bắt đầu chơi lan, ai cũng bảo anh là “hâm”, ai đời nào kinh mài đèn sách 4 năm trời, giờ về nhà ngày nào cũng lên rừng tìm lan, rồi đưa về chăm bẵm, ngắm ngía suốt ngày, thậm chí anh còn thức đêm để canh lan… nở.

Anh Tuấn dáng người cao to, lãng tử, thân thiện. Nhâm nhi chén trà, anh kể cho chúng tôi nghe duyên nợ của anh với hoa lan. Tuấn bảo, anh quê gốc Hà Nội có bốn anh chị em, nhưng lại được sinh ra và lớn lên ở Mộc Châu. Bố mẹ anh là cán bộ, ngoài việc cơ quan về nhà tăng gia, chăn nuôi, trồng trọt làm kinh tế gia đình.

Từ nhỏ anh cũng như bốn anh chị em đã sớm gắn bó với rừng. Mỗi khi theo cha mẹ, người lớn hay bạn bè vào rừng, đặt chân đến một khu rừng mới lạ, anh đều tìm hiểu những loài lan rừng. Ngày đó, hoa lan được mọi người lấy từ trên những cây cổ thụ trong rừng một cách tự nhiên. Anh say mê sưu tập, cấy ghép, tạo dáng và chăm sóc các loài lan rừng từ khi còn là cậu học sinh cấp III.

Những giỏ hoa lan quanh nhà ngày một nhiều thêm và anh bắt đầu tìm những loại địa lan, phong lan rừng để nuôi trồng trong vườn. Tuấn bảo: “Sống với lan như được ngồi thiền, thư thái thảnh thơi lắm, đã vào nghiệp chơi lan thì thể dứt ra được”.

Theo anh Tuấn, hiện trong vườn của anh có rất nhiều chậu địa lan có giá lên tới 50 – 60 triệu đồng/chậu, trong đó không ít địa lan có nguồn gốc trong nước.

Lúc đầu chưa có vốn, anh thầu một cửa hàng bách hóa ở chợ Trung tâm Mộc Châu để kinh doanh để tích lũy vốn. Với tình yêu đặc biệt với hoa lan, sự đam mê nuôi trồng, bảo tồn hoa lan, anh đã quyết định đầu tư trồng theo mô hình ở Đà Lạt rồi mở rộng, xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên sản xuất, nhân giống, nuôi trồng, bảo tồn các loài lan bản địa và nhập ngoại, xây dựng một trang trại hoa lan xinh đẹp, thơ mộng để hấp dẫn khách du lịch, gắn với loại hình du lịch Homestay.

 Nhiều năm nay, hầu như không ngày nào anh không có mặt ở vườn lan, mặc dù anh đã thuê gần chục người để chăm sóc. Có lẽ vì thế, nên Tuấn tự nhận mình là “tù nhân”, “tình nhân” của lan. Còn người dân nơi đây thì coi anh như một người khai phá ra nghề trồng, kinh doanh lan và là “vua” lan ở vùng Tây Bắc vậy.

Từ lúc chỉ có vài giỏ lan, nay trang trại của anh đã có hàng nghìn giỏ lan, với cả trăm loại lan khác nhau, có giỏ, chậu lên đến 40 – 50 triệu đồng/chậu.

Đánh cược tính mạng vì niềm đam mê

Dẫn chúng tôi ra vườn lan rộng hơn 2ha, bạt ngàn lan, nào là lan đuôi chồn, đuôi cáo, cẩm báo, kiều, tam bảo sắc, tai trâu, tóc tiên… và nhiều loại không gọi thành tên được anh treo lủng lẳng khắp nơi, hoa tỏa hương, khoe sắc trông rất đẹp mắt.

Bên chậu lan quý, anh Tuấn cho biết trước đây để có được lan quý, anh phải lặn lội khắp các cánh rừng già không chỉ vùng Sơn La mà cả Tây Bắc, Đông Bắc. Thậm chí, men theo các cánh rừng, vượt suối băng vào tận miền Trung, rồi ven rừng Trường Sơn tìm lan. Và trong một dịp anh được đặt chân đến Đà Lạt và anh đã bị vẻ đẹp của các loại lan, vườn lan nơi đây “hạ gục”.

Năm 2010, anh Tuấn quyết định thành lập Công ty Cổ phần Hoa cảnh Cao nguyên. Công ty có khoảng 30-35 công nhân, trong đó người thân trong gia đình chiếm khoảng 30%, còn lại là bà con trong khu vực và các, huyện, tỉnh lân cận. Tất cả công nhân ở xa đều được sắp xếp chỗ ở ổn định, sống và làm việc trong môi trường thân thiện, ấm áp và chân thành. Mỗi khi có dịp là mọi người lại cùng nhau giao lưu văn nghệ.

Theo anh Tuấn, để có được giỏ, chậu lan đẹp, ngoài giống lan tốt, còn phải biết cách chăm sóc, tưới bằng nước sạch.

 Trong những ngày băng rừng, vượt núi đi tìm lan, đã không lần bị rắn, rết đe dọa, rồi trượt ngã trầy xước, trong đó có lần xuýt nữa tôi bỏ mạng vì leo cây lấy lan chẳng may trượt chân ngã, cũng may khi chưa rơi tới đất, tôi đã vơ ôm được một càng cây khác. Nhưng oái oăm thay, hễ lan càng đẹp thì mọc ở chỗ càng hiểm…
Anh Nguyễn Thanh Tuấn.

Giám đốc Tuấn đã truyền đạt kỹ thuật nuôi trồng cho họ, khuyến khích họ nếu có điều kiện thì cũng đầu tư làm trang trại trồng lan và cây ăn quả để làm du lịch homestay, du lịch sinh thái cộng đồng, vừa làm giàu cho bản thân, cho gia đình, góp phần làm giàu, làm đẹp cho quê hương, cho vùng cao nguyên xinh đẹp này. Anh Tuấn cho biết, hiện đã có một số công nhân làm tại trang trại của anh vài năm và nay đã tách ra làm trang trại riêng và bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Theo tìm hiểu, anh Tuấn được biết, ngoài những loại lan bản địa, ở Đà Lạt còn trồng rất nhiều loài lan quý của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây. Để có được nguồn giống lan nước ngoài lên mạng tìm các loại lan, rồi thấy ưng thì nhờ bạn bè khắp nơi đang công tác ở nước ngoài mua hộ. Khi có một loài lan đẹp, ngoài tên thật của nó, hoặc tên nước ngoài, Tuấn thường ngồi suy nghĩ đặt cho một cái tên mới, rồi nghiên cứu kỹ lưỡng cách trồng trọt, chăm sóc sao cho lan phát triển sinh sôi.

Không chỉ vậy, cách chăm sóc lan của Tuấn lại càng cầu kỳ và không giống ai. Ngoài việc tưới nước, bón phân đến cắt tỉa, nhân giống đều phải thật tỷ mỷ. Nước “tắm” cho lan phải là nước suối sạch. Khi cắt tỉa lan, Tuấn bao giờ cũng dùng những vật dụng sạch như ngành y tế để thực hiện công đoạn. “Mình làm như vậy là để lan không bị nhiễm trùng” – anh Tuấn nói.

Cẩn thận là thế, nhưng chẳng may lan bị bệnh, anh chạy đôn chạy đáo tìm thuốc chữa và “phục dịch” còn hơn cả phục vụ vợ đẻ. Anh Tuấn cho biết, mỗi năm anh bán hàng nghìn giỏ, chậu lan, trung bình mỗi giỏ, chậu từ 5 – 7 triệu đồng, ngoài ra còn có nhiều giỏ lan quý ghép gỗ lũa, địa lan lên đến 40 – 50 triệu đồng trên chậu, thu về hàng tỉ đồng.

“Bây giờ tôi không chỉ kinh doanh bán hoa lan, mà còn kinh doanh dịch vụ thăm quan, homstay. Ngoài mục đích phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, mô hình sẽ là một điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Mộc Châu và hoa lan Mộc Châu cũng chính là một trong các món quà đầy ý nghĩa để du khách về biếu tặng người thân…!”

Trồng dâu tây thay người Nhật

Anh Tuấn cho biết năm 2010 có hai kỹ sư người Nhật đến Mộc Châu trồng thử nghiệm dâu tây. Tuấn hào phóng cho họ mượn 1.000m2 đất. Nhưng rồi, họ trồng thất bại và bỏ đi, anh đành phải tiếp nhận vườn dâu tây không ra quả để chăm sóc và nghiên cứu.

Khi đó, Tuấn đưa về vườn một lượng lớn dâu tây và trồng theo cách của mình, tức là “nâng như nâng trứng”, dùng kỹ thuật cao để chăm sóc, cắt tỉa và tưới tắm bằng nước suối lạnh. Anh nghĩ dâu tây chỉ sống ở xứ lạnh nên nước càng sạch, càng mát thì càng kích thích dâu tây phát triển.

Anh Tuấn vô tình trở thành người đầu tiên trồng thành công dâu tây trên Cao nguyên Mộc Châu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không phụ lòng người, sau nửa năm chăm sóc, vườn dây tây đã đậu quả và cho anh những quả chín đầu tiên. Hái quả dâu, anh lau tạm vào vạt áo rồi ăn thử. Và khi quả dâu tây vừa bị cắn làm đôi thì anh bỗng nhảy cẫng lên trong niềm vui khôn tả, bởi vị thơm ngon, ngọt của quả dây tây đầu tiên được trồng ở Mộc Châu đang thấm vào từng giây thần kinh vị giác ở đầu lưỡi anh. Năm ấy, mặc dù chỉ vài trăm m2, nhưng vườn dâu tây mỗi tháng đem lại cho anh nguồn thu tới 20 triệu đồng.

“Hiện nay lượng dâu tây của tôi chưa đủ cung cấp cho thị trường Mộc Châu, nên tiềm năng còn rất lớn. Nhiều khách hàng ở Hà Nội gọi điện đặt hàng, nhưng chúng tôi cũng chỉ phục vụ được một lượng rất nhỏ và ưu tiên cho những khách hàng tiêu dùng thường xuyên” – anh Tuấn cho biết.

 Hiện anh Tuấn đã nhân rộng mô hình dâu tây lên hàng nghìn m2, ngoài kinh doanh dịch vụ tham quan, miệt vườn, bán trược tiếp cho người tham quan, mỗi tháng thu lợi nhuận từ 60 – 70 triệu đồng. 
Việt Tùng