dd/mm/yyyy

Vốn Agribank giúp nông dân “đất lửa” làm giàu

Từ vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank), nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã khởi nghiệp thành công, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, có nhiều hộ xây nhà, sắm xe ô tô xịn nhờ vay vốn của Agribank để làm ăn.

Có vốn nông dân mạnh dạn phát triển kinh tế

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi theo chân cán bộ tín dụng Agribank Vĩnh Linh “phiêu dạt” nhiều nơi để nắm tình hình cho vay, phát triển kinh tế ở địa phương này.

Đặt chân đến thôn Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm, chúng tôi ghé vào quán nước để nghỉ ngơi trong giây lát thì nghe được những câu chuyện của nhiều nông dân nhờ vốn vay Agribank mà thoát nghèo. Trong số đó, câu chuyện khởi nghiệp, làm giàu của vợ chồng anh Hồ Văn Hoàn (SN 1970) và chị Nguyễn Thị Liễn (SN 1976) khiến người nghe phải trầm trồ thán phục.

Ông Vũ Thắng (bên phải) được cán bộ tín dụng ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Linh đến thăm, động viên sản xuất.
Ông Vũ Thắng (bên phải) được cán bộ tín dụng ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Linh đến thăm, động viên sản xuất.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, anh Hoàn tay bắt mặt mừng rồi cho biết, năm 1997 vợ chồng cưới nhau, sau một năm thì ra ở riêng. Thời điểm ấy, gia tài của chị chỉ có 4 bao lúa và một vài cát bát được bố mẹ hai bên cho. Làm việc quần quật nhưng cuộc sống gia đình chẳng thể khá lên, chung quy cũng tại không có vốn.

Biết hoàn cảnh của gia đình, năm 2000 Hội Nông dân xã đã động viên, hướng dẫn cho vợ chồng anh Hoàn vay vốn Agribank Vĩnh Linh. Thời điểm ấy, anh Hoàn đi vay như “tay không bắt giặc”. Nói vậy là bởi tài sản thế chấp của anh chỉ là căn nhà cấp 4 bé tí tẹo, định giá chẳng được bao nhiêu. Nhưng nhìn cái cách vợ chồng anh siêng năng, quần quật làm việc từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên Agribank tin tưởng, cho vay 23 triệu đồng, số tiền khá lớn với nông dân thời điểm đó.

Anh Hoàn cho biết, có vốn trong tay, hai vợ chồng đấu thầu mảnh đất làm ruộng. Sau một thời gian, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cá của người dân tăng cao mà địa phương chưa ai nuôi, anh Hoàn lại đấu thầu khu đất gần 1ha bỏ hoang để đào ao nuôi cá. Vụ nuôi đầu tiên, vì chưa có kinh nghiệm anh đã thất bại. Không nản chí, anh Hoàn bỏ công đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Vụ thứ hai, cá bắt đầu cho năng suất cao, lãi lớn.

Hiện nay, với diện tích khoảng 7.000m2 mặt nước, gia đình anh Hoàn thả nuôi cá trắm, mè, trê lai… Cứ 8 tháng anh xuất bán khoảng 5-6 tấn cá. Cận ao cá là khu chuồng trại lợn, trung bình nuôi từ 100-200 con/lứa, mỗi năm 3 lứa. Ngoài ra, vợ chồng anh Hoàn còn nuôi tôm trên diện tích 3.000m2; mở dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi cho bà con địa phương và làm quán ăn, lấy nguồn cung từ cá, gà, vịt gia đình tự nuôi để phục vụ khách hàng đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Mỗi năm, thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Hoàn trên 250 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, vợ chồng anh Hoàn còn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kiến thức chăn nuôi cho những gia đình khó khăn. Đa số những hộ chăn nuôi lợn, gà ở địa phương đều được anh Hoàn tạo điều kiện cho mua nợ thức ăn, đến khi xuất bán gia súc, gia cầm mới phải hoàn trả…

Luôn đồng hành với nông dân

Rời gia đình anh Hoàn, chúng tôi lên vùng đồi phía Tây huyện Vĩnh Linh để đến với gia đình ông Vũ Thắng (SN 1961, thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà). Ở xã miền núi khó khăn này, gia đình ông Thắng được xem là đại gia bởi có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm.

Nhờ làm ăn hiệu quả, ông Vũ Thắng đã mua được xe ô tô.
Nhờ làm ăn hiệu quả, ông Vũ Thắng đã mua được xe ô tô.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại gà của mình, ông Thắng cho biết, năm 2010 vợ chồng ông rời đồng bằng xã Vĩnh Sơn lên vùng miền núi thôn Rào Trường theo chủ trương của di dân đi kinh tế mới của Trung ương Đoàn Thanh niên công sản Hồ Chí Minh. Khi đến nơi ở mới, gia đình ông được cấp gần 2ha đất để trồng cao su. Cũng năm đó, ông Thắng quyết định huy động vốn tự có, mượn người thân và vay 600 triệu đồng từ Agribank Vĩnh Linh để đầu tư xây dựng 3 chuồng trại nuôi gà trên diện tích 800m2.

Mỗi năm, ông Thắng thả nuôi từ 30.000-45.000 con gà giống ri lai. Sau khi trừ chi phí, ông Thắng có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm từ việc nuôi gà. Nhờ nguồn thu nhập cao này, cách đây 3 năm ông Thắng đã mua được xe ô tô, đồng thời đầu tư trồng thêm cây ăn quả, lắp đặt hệ thống tủ đông để cấp đông gà…

“Không những tôi mà nhiều hộ dân trên địa bàn được ngân hàng Agribank tạo điều kiện, hỗ trợ rất nhiệt tình để vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Chúng tôi gọi Agribank là bà đỡ mát tay của nông dân” – ông Thắng chia sẻ.

Ông Trương Đình Ngữ, Giám đốc Agribank Vĩnh Linh cho biết, khi cho vay vốn ngân hàng không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp mà còn phải xem quyết tâm, nghị lực lao động của khách hàng đến đâu. Nếu khách hàng có nghị lực, quyết tâm lớn, tạo được niềm tin như vợ chồng chị Liễn, anh Hoàn hay ông Thắng thì ngân hàng yên tâm giao vốn. Bởi vậy, khi cán bộ tín dụng của ngân hàng đi thẩm định để cho vay luôn cẩn thận hỏi hàng xóm xung quanh khách hàng để nắm rõ tình hình.

Theo ông Ngữ, đa phần người nông dân khi vay vốn ngân hàng Agribank đều có nghị lực, trách nhiệm cao trong lao động sản xuất, trả lãi nên hiệu quả cho vay cao. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Agribank huyện Vĩnh Linh đã có dư nợ cho vay trên 1.236 tỷ đồng, trong đó 93% số vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn; nợ xấu chỉ chiếm 0,08%.

Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh đánh giá, nền nông nghiệp của huyện ngày càng khởi sắc, có thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả một phần công lao lớn là nhờ có Agribank đồng hành cho người dân vay vốn sản xuất. “Lãnh đạo, nhân dân huyện Vĩnh Linh mong muốn ngân hàng Agribank tiếp tục đồng hành để huyện có thêm cơ hội phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững” – ông Thành nói.

Ngọc Vũ