Ông Trần Vinh - một nông dân ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) từng được mệnh danh là “vua” mắc ca ở Việt Nam khi đầu tư tới 40 tỷ đồng trồng loại cây được ví là “nữ hoàng quả khô”. Danh thơm chưa được bao lâu, ông đã lâm vào cảnh lao đao không biết tìm mối tiêu thụ ở đâu. Một “ông vua” khác là nông dân Nguyễn Ngọc Hải (Thới An, Cần Thơ) từng nổi tiếng lừng lẫy khắp vùng khi mỗi năm bỏ túi hàng tỷ đồng từ cá tra, nhưng đến nay ông Hải đã phải treo ao, chuyển sang… đi nuôi tôm thuê cho các ông chủ khác...
Chuyện của ông Vinh, ông Hải giờ đây đã không còn là cá biệt, vì còn hàng nghìn chủ trang trại khác cũng không ít lần dở khóc dở cười, hoặc lâm vào cảnh trắng tay vì không có tấm giấy “thông hành” là tờ chứng nhận trang trại đạt tiêu chí để được vay vốn ngân hàng, để nông sản vào siêu thị thuận lợi…
Chăm sóc lợn rừng tại Trang trại của ông Ngô Xuân Cường, xã Cẩm Đình (Phúc Thọ, HN)
Trên thực tế, một số quy định về tiêu chí trang trại đã không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất. Nhiều trang trại sử dụng rất ít đất, nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cực kỳ lớn nhờ áp dụng công nghệ cao, máy móc hiện đại. Trong khi các chuyên gia đều đánh giá, để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các chủ trang trại, hợp tác xã phải là lực lượng đi đầu. Và để lực lượng ấy phát huy thế mạnh, không có cách nào khác là phải “cởi trói” cho họ về vốn, về đất đai, nguồn lao động, nâng cao trình độ quản lý, minh bạch các khâu trong chuỗi giá trị nông sản, hay nới rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp…
Trước những đòi hỏi cấp bách đó, Trang Trại Việt trân trọng giới thiệu Tiêu điểm: Vô danh, trang trại lỡ cơ hội “vàng”, nhằm góp tiếng nói hữu ích trong việc điều chỉnh cơ chế, chính sách, giúp các chủ trang trại vững tâm hơn trong hành trình lập nghiệp.