Để làm món vịt dằm, nguyên liệu chính dĩ nhiên phải là vịt. Nhưng phải vịt nuôi ở xứ đập Đồng Mới, hay xứ đồng Cà Giây, hai cánh đồng lúa ngút ngàn của huyện Bắc Bình chứ không dùng vịt nuôi công nghiệp. Bà Tám Xuân Hội là người dày kinh nghiệm nấu vịt dằm ở Chợ Lầu.
Bà giới thiệu: “Muốn làm vịt dằm, trước hết phải có trái me chín, vị chua ngọt. Mỗi mùa me, người ta thường hái trái chín và cạy bỏ hạt, bỏ me vào hũ ướp ít muối. Me càng để lâu thì lấy ra nấu vịt dằm càng ngon. Thứ nguyên liệu tiếp theo là củ gừng tươi để ướp thịt nhằm tạo mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, nấu vịt dằm cần có trái thơm (dứa) và cà chua. Vịt dằm có thể ăn với nhiều loại rau, nhưng chủ lực vẫn là rau răm”.
Để làm món vịt dằm, thịt vịt phải là vịt nuôi ở xứ đập Đồng Mới, hay xứ đồng Cà Giây, chứ không dùng vịt nuôi công nghiệp.
Bà Tám Xuân Hội hướng dẫn khi luộc vịt, cần có một tép gừng bỏ vào nước cho thịt thơm. Công thức cho một nồi vịt dằm Chợ Lầu gồm: 2 con vịt, 5 củ tỏi Phan Rang, 300 gr cà chua, 10 trái ớt nhỏ, nửa trái thơm, 200 gr me chín, 300 gr gừng tươi, với gia vị khác là muối, đường và bột ngọt. Tất cả gia vị đem giã nhuyễn, xào chín, để nguội và cho vào nồi nước luộc vịt, trộn đều. Nêm nếm tùy theo khẩu vị. Thịt vịt chặt miếng vừa ăn, trút hết vào nồi nước luộc đã có gia vị.
Trong công đoạn chế biến, chú ý là rau răm cắt nhỏ cho vào nồi vịt dằm khi đã nguội để không bị đắng. Gừng trước khi giã nên bỏ bớt một xíu nước ban đầu cho bớt vị đắng. Múc cả thịt và nước chan lên tô bún, rồi rắc thêm vài hạt đậu phộng rang. Tô bún vịt dằm lúc này vừa có mùi thơm của gừng, vị chua của me, cà chua và trái thơm, lại có vị cay cay của ớt và tỏi.
“Vịt dằm là món ăn truyền thống trong những dịp lễ tết ở địa phương. Món này có từ rất lâu ở vùng đất ven Sông Lũy (huyện Bắc Bình), và hiện nay Chợ Lầu vẫn giữ được hương vị truyền thống của món ăn”, bà Tám Xuân Hội vui vẻ nói.