Vịt biển - giống vịt “có một không hai”
Tiếp phóng viên Trang Trại Việt, TS.Nguyễn Văn Duy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên khoe: “Không chỉ nuôi thành công ngoài quần đảo Trường Sa, đến nay giống vịt biển 15 của Trung tâm đã được nuôi thành công tại một loạt các tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Trà Vinh…”.
TS. Duy giới thiệu: Giống vịt biển 15 có khả năng thích nghi rộng trên mọi loại nước, sinh trưởng nhanh, chất lượng thịt cao nên vịt biển 15 được nhiều hộ nuôi thủy cầm trên đất liền lựa chọn. Vịt biển 15 trưởng thành (từ 20 - 21 tuần) là bắt đầu đẻ trứng, khối lượng vào đẻ 2,56 - 2,75 kg/con, năng suất trứng 235 - 247 quả/mái/năm. Khối lượng trứng, 82 - 86 gr/quả, tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng là 3,1 - 3,3kg. Khối lượng vịt thương phẩm 2,26 - 2,35 kg/con. Tiêu tốn thức ăn trên 1 kg tăng trọng khoảng 2,4 - 2,6 kg. Nếu nuôi thịt với giá thị trường hiện nay là 38.000 đồng/kg, tổng chi phí nuôi cỡ 90.000 đồng/con, giá bán khoảng 120.000 đồng/con; như vậy, mỗi con có thể lãi 30.000 đồng.
Còn theo nhận định của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tương, giống vịt biển 15 rất phù hợp với điều kiện của các địa phương ven biển như Quảng Nam. Trước đây người dân địa phương thường nuôi vịt trên ao nước ngọt nên hay bị dịch bệnh, nhưng từ khi đưa giống vịt biển 15 này về nuôi thử nghiệm, cho kết quả khác hẳn.
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ chăn nuôi vịt biển cho các hộ dân tại Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Quá trình nuôi cho thấy, vịt biển 15 không cần vốn đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, tỷ lệ đẻ trứng rất cao. Với những ưu điểm nổi trội, nhiều hộ dân tại Tiên Yên đã nuôi vịt biển 15 trong môi trường xen lẫn nước mặn, lợ, cùng nhiều loài thuỷ cầm khác. Hiện nơi đây đã phát triển đàn vịt biển hàng chục nghìn con, sản lượng trứng lớn.
Nuôi thành công vịt biển ở Trường Sa
“Đến thời điểm này, vịt biển cũng đã được nuôi thành công tại 33 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, lứa đầu đã đẻ trứng. Quân dân trên các đảo rất hân hoan trước thành công này”, TS. Duy thông tin.
Bà Hoàng Thị Lệ Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, người có công đưa vịt biển ra Trường Sa kể lại: “Trong một cuộc họp tại Hà Nội cuối năm 2013, tôi tình cờ nghe thông tin về giống vịt biển do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên nghiên cứu, chọn tạo. Thấy đây là một cơ hội rất lớn cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa - nơi những giống vật nuôi còn khuyết thiếu, tôi quyết tâm bằng mọi cách đưa loài vịt biển này ra Trường Sa càng sớm càng tốt. Thế nhưng, chuyến đầu, Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên gửi 100 trứng vịt biển ra Trường Sa Đông thì chỉ ấp nở được vài quả. Lần thứ hai, Trung tâm lại tiếp tục gửi trứng ra đảo Trường Sa Lớn thì kết quả cũng không khá hơn là bao”.
Không khuất phục, tháng 12.2014, lần đầu tiên một chuyến bay mang theo 600 con vịt biển con đã hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, toàn bộ số vịt con này được chăm sóc một cách kỹ lưỡng bởi kỹ sư thuộc Viện Chăn nuôi và thật đáng mừng, phương án này đã giúp tăng tỉ lệ sống sót cho vịt biển, số vịt ra đảo đều phát triển tốt và nhiều con hiện đã đẻ trứng.
Chia sẻ với phóng viên NTNN, Thượng tá Lương Duy Hãnh - Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca cho hay: Đảo Sơn Ca đã tiếp nhận 10 chú vịt biển về nuôi và đến nay tất cả đều đạt trọng lượng trên 2kg, một số con đã đẻ trứng. Vừa rồi, chúng tôi mới tiếp nhận máy ấp trứng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cho ấp nở xem sao.
Mùa này, đảo Sơn Ca mưa to, sóng lớn nên chúng tôi chỉ cho vịt quanh quẩn trên đảo thôi, không để vịt bơi ra xa đề phòng sóng đánh vịt dập vào đá. Nơi đây nhiều ốc biển - nguồn thức ăn khoái khẩu của vịt nên vịt biển phát triển rất tốt. Anh em trên đảo chăm chút cho đàn vịt rất kỹ lưỡng và hy vọng sẽ nhân đàn lên.
Bà con có nhu cầu nuôi vịt biển, có thể liên hệ với TS. Nguyễn Văn Duy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên - Điện thoại: 0912.448.344