Theo tin trên CafeF: Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ấn định, ngày 1/1/2019, học sinh đăng ký tham gia sẽ chính thức được uống sữa trong Chương trình Sữa học đường.
Theo đó, ngày 27.11, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Sữa học đường đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của Chương trình. Theo kết quả lựa chọn, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk-mã chứng khoán VNM), địa chỉ số 10, Tân Trào, Phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh là đơn vị trúng thầu với tỷ lệ hỗ trợ của đơn vị trúng thầu là 23% (mức hỗ trợ cao hơn so với mức mời thầu của Sở GD&ĐT 3%). Đơn giá trúng thầu 1 hộp sữa là 6.286 đồng. Nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP).
Đề án Chương trình sữa học đường đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, bắt đầu triển khai từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020, với mục tiêu có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa; 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng... Mức giá 1 hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp có dung lượng 180ml và không tăng giá trong suốt thời gian triển khai Chương trình. Để thực hiện Chương trình này, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Như vậy, mỗi phụ huynh đóng góp không quá 3.400 đồng/hộp sữa.
Vinamilk là đơn vị trúng thầu Đề án Sữa học đường thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trường học cho biết cơ bản ủng hộ Chương trình Sữa học đường bởi ngoài mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học thì Chương trình còn mang tính nhân văn cao.
Kết luận tại buổi làm việc ngày hôm qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ấn định, ngày 1/1/2019, học sinh đăng ký tham gia sẽ chính thức được uống sữa trong Chương trình Sữa học đường.
Còn theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đơn giá trúng thầu của Vinamilk là 6.286 đồng/hộp 180 ml (sữa tươi tiệt trùng có đường hoặc không đường), sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. Sản phẩm của Vinamilk đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT, đáp ứng quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-186:2017/BNNPTNT về Sữa tươi nguyên liệu, đáp ứng các chỉ tiêu khác căn cứ theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các khuyến nghị về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Sản phẩm sẽ có logo Sữa học đường và không bán thương mại ngoài thị trường.
Trước đó, Ngày 17.9.2018, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề việc ban hành quy định chỉ sản phẩm sữa tươi được tham gia chương trình sữa học đường sẽ dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác cũng đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng của chương trình, tạo rào cản cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề nghị ngoài sản phẩm sữa tươi, các sản phẩm sữa dạng lỏng khác cũng được tham gia chương trình sữa học đường, để đảm bảo trẻ em được sử dụng đa dạng các sản phẩm sữa khác, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sự tham gia bình đẳng của doanh nghiệp.
Văn bản này ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng từ phía Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT khi lãnh đạo Cục khẳng định: Việt Nam hiện hoàn toàn đủ sữa tươi sản xuất trong nước, mà không cần phải quy định đưa thêm sữa khác vào sữa học đường.
Ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Cục Chăn nuôi đã ước tính về nhu cầu của chương trình sữa học đường, cũng như khả năng cung ứng của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước. Theo đó, với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 180ml sữa/ngày, nhân với 260 ngày đến lớp, nhân với khoảng 11 triệu học sinh (mẫu giáo đến lớp 6) thì sản lượng sữa cần cho chương trình sữa học đường khoảng 514.000 tấn, tương đương 22.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, sản lượng sữa năm 2018 đã đạt khoảng 960.000 tấn, vì vậy nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chế biến cho chương trình sữa học đường tại các DN hoàn toàn có thể đáp ứng được".
Theo ông Chinh, hiện nay, các nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh như Mỹ, Úc, châu Âu tiêu thụ 100% sữa lỏng được chế biến từ sữa tươi, trong khi Việt Nam mới đáp ứng được 40%. Vì vậy, ưu tiên phát triển đàn bò sữa, đi kèm với các dịch vụ cho chăn nuôi bò sữa để hạn chế sự phụ thuộc nhập khẩu vẫn là ưu tiên hàng đầu, cũng là cách để trẻ em Việt Nam được tiếp cận với nguồn thức uống giàu dinh dưỡng.
Trao đổi với PV, nhiều phụ huynh cho biết, vừa qua nghe thông tin trên báo chí, chúng tôi rất hoang mang, vì trên thị trường có nhiều loại sữa quá, không biết phân biệt đâu là sữa tươi đâu là sữa bột pha lại. Vì thế, nếu đúng là sữa của Vinamilk là sữa tươi thì không sao, nhưng cần có sự giám sát chặt chẽ của Ban Phụ huynh. Chị Phạm T.V, có 2 con đang học ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết: "Tôi được biết Vinamilk có rất nhiều dòng sản phẩm sữa, vấn đề không phải đắt hay rẻ một vài trăm đồng/hộp, mà điều chúng tôi quan tâm là chất lượng thực sự của hộp sữa tươi đó".
Vinamilk cũng đang là đơn vị có nhiều dòng sản phẩm sữa khác nhau, trong đó có cả các sản phẩm sữa dạng lỏng khác như sữa hoàn nguyên, sữa tiệt trùng có bổ sung các vi chất.
Hiện tổng đàn bò của Vinamilk đang quản lý và khai thác sữa là khoảng 120 ngàn con bò với sản lượng sữa tươi nguyên liệu là 800 tấn/ngày. Với mức đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường tại Hà Nội hiện nay thì mới chỉ sử dụng hết khoảng 10-12% tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk.
Với hàng loạt các dự án đầu tư, mở rộng phát triển vùng nguyên liệu đã và đang được triển khai, dự kiến tổng đàn bò của Vinamilk sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, đủ khả năng đáp ứng lâu dài cho chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020 không chỉ riêng Hà Nội mà còn các tỉnh, thành phố khác.