dd/mm/yyyy

VietGAP mới đơn giản dễ áp dụng, chi phí thấp

Để thực hiện triển khai VietGAP, tháo gỡ những khó khăn mà người nông dân đang gặp phải là những điểm nổi bật nhất của VietGAP mới sẽ ban hành vào năm 2017. Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.

Ông Nguyễn Như Cường – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

Từ khi áp dụng VietGAP vào nông nghiệp, đến nay quy trình đã tạo ra những thay đổi gì trong sản xuất, thưa ông?

Tính đến tháng 10.2016 đã có 1.451 cơ sở sản xuất đc chứng nhận VietGAP với tổng diện tích hơn 21.000 ha. Trong đó có 1 số tỉnh thành đã hình thành vùng an toàn sản xuất VietGAP như thanh long (Bình Thuận), vải thiều (Bắc Giang), chè (Yên Bái), rau (Lâm Đồng)… 

Sau khi gia nhập WTO, ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài chưa được như kỳ vọng. Một phần nguyên nhân chính là hàng hóa của chúng ta vấp phải các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa rất khắt khe của các nước nhập khẩu. Thị trường xuất nhập khẩu nông sản trên thế giới đang được kiểm soát bởi những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nắm bắt được những khó khăn trên, từ năm 2006 Asean đã công bố bản quy trình GAP (Good Agricultural Practices: Thực hành nông nghiệp tốt) chung cho các nước thành viên. Ngày 28.1.2008, Bộ NN&PTNT ban hành tiêu chuẩn riêng của Việt Nam có tên viết tắt là VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) đồng thời xây dựng các chính sách, tiêu chí hỗ trợ, chỉ định tổ chức chứng nhận… cho các mô hình thực hành tốt VietGAP với mức hỗ trợ từ 50 - 100%.

Áp dụng VietGAP nhằm mục đích thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng quy mô, bền vững, sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ người tiêu dùng. (Trong ảnh: Phát triển mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở Lâm Đồng, ảnh: Phạm Kha.

Áp dụng VietGAP nhằm mục đích thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng quy mô, bền vững, sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ người tiêu dùng. Đó là những tiêu chí cơ bản của VietGAP. Chính vì vậy, qua nhiều năm thực hiện quy trình này cho thấy đây là hướng đi đúng đắn đối với sản xuất nông nghiệp bền vững, có lợi cho xã hội, cho nhà sản xuất, cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và cuối cùng quan trọng nhất là có lợi cho người tiêu dùng.

“Trước đây trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí VietGAP, các đơn vị xây dựng không dựa theo Tiêu chuẩn quy chuẩn chung nào nên dẫn đến các công đoạn quản lý, thanh, kiểm tra xử lý sau này như đi vào ngõ cụt”, ông Nguyễn Như Cường.

VietGAP chính là bằng chứng để khẳng định “tên tuổi” của các sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi của Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu do vượt qua được các rào cản kỹ thuật, không vi phạm các quy định, yêu cầu của các nước nhập khẩu. Áp dụng VietGAP làm thay đổi tập quán sản xuất hiện nay, xã hội giảm bớt được chi phí sản xuất cho nông dân, người dân được sử dụng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. VietGAP trở thành thương hiệu của Việt Nam, người tiêu dùng thấy sản phẩm VietGAP là tin tưởng bởi sự an toàn của sản phẩm. Các chuỗi siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại giờ cũng chỉ nhập nông sản có các chứng nhận an toàn được cơ quan nhà nước thừa nhận và VietGAP là một trong số đó.

Rõ ràng VietGAP đã mang đến nhiều hiệu quả rõ ràng trong sản xuất. Đơn vị sản xuất kết nối đơn vị tiêu thụ; đảm bảo chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; hiệu quả kinh tế cũng tăng lên từ 10-15%. Khi áp dụng VietGAP, việc sử dụng phân bón giảm, thuốc bảo vệ thực vật giảm, chi phí đầu vào giảm, và áp dụng đúng quy trình thì năng suất tăng lên rõ rệt.

Có ý kiến cho rằng quy trình VietGAP có quá nhiều điều kiện, tiêu chí ràng buộc nên người sản xuất khó thực hiện. Bên cạnh đó đầu ra cho sản phẩm VietGAP cũng bị cạnh tranh bởi sản phẩm không chứng nhận, vì thế việc phổ cập VietGAP đang gặp khó khăn. Chia sẻ của ông về vấn đề này?

Đúng là sau 8 năm thực hiện, VietGAP đang bộc lộ một số điểm không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. VietGAP có các chỉ tiêu phức tạp, khó cho ứng dụng đầy đủ trong sản xuất và khó cho cả cơ quan chứng nhận. Trong 65 chỉ tiêu, có nhiều chỉ tiêu trùng lặp, phức tạp. VietGAP không dựa trên luật hay nghị định gì, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Dù bản chất của VietGAP là tốt, các chính sách hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp của Chính phủ cũng vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trước đây trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí VietGAP, các đơn vị xây dựng không dựa theo Tiêu chuẩn quy chuẩn chung nào nên dẫn đến các công đoạn quản lý, thanh, kiểm tra xử lý sau này như đi vào ngõ cụt. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm VietGAP ban đầu quá khó khăn, việc chứng nhận VietGAP lại quá dễ cộng các quy định về thanh kiểm tra, xử lí không được phân định cụ thể nên VietGAP dần mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu.

Bên cạnh xây dựng bộ tiêu chí mới, Cục Trồng trọt đang xây dựng Chương trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 900.000 ha để phục vụ cho hơn 90 triệu người dân được thụ hưởng. Quy trình sản xuất này sẽ rất đơn giản, tập trung hướng dẫn 3 vấn đề: thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, đất. Bên cạnh đó phải có sự thúc đẩy liên kết và giám sát lẫn nhau của các hộ dân.

Với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng thì các quy trình sản xuất phải phù hợp với khu vực và thế giới, phải đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, rõ ràng minh bạch, dễ cho các tổ chức chứng nhận. VietGAP phải dựa trên các luật, tiêu chuẩn quy chuẩn hiện hành để công tác thanh kiểm tra xử phạt có những cơ sở pháp lý trong tiến hành thanh kiểm tra.

Chính vì vậy chúng tôi nhận thấy VietGAP cần có một số điều chỉnh thay đổi để phù hợp với thời cuộc. Và chúng tôi đang làm điều đó một cách rốt ráo nhất nhằm mục tiêu sang năm 2017 sẽ áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đối tượng liên quan.

Vậy tiêu chuẩn VietGAP mới có gì khác so với trước đây, những điểm nổi bật là gì thưa ông?

Trước đây Bộ NN&PTNT đã đưa ra quy định về sản xuất VietGAP với 65 chỉ tiêu bắt buộc, 9 chỉ tiêu khuyến khích. Tuy nhiên quy trình sản xuất được chứng nhận VietGAP mới theo chỉ đạo của Bộ trưởng phải đáp ứng 3 tiêu chí: đơn giản, dễ thực hiện và chi phí thấp. VietGAP mới chỉ còn khoảng hơn 30 chỉ tiêu, giảm gần ½, các chỉ tiêu dễ dàng cho người dân áp dụng, dễ dàng cho các tổ chức chứng nhận, dựa trên Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn nên rẽ rất thuận lợi cho việc thanh kiểm tra xử phạt. VietGAP mới sẽ phù hợp hài hòa với các tiêu chuẩn quy chuẩn sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt của các nước trong khu vực và thế giới.

Hiện nay, tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt đối với lĩnh vực trồng trọt đã được Cục Trồng trọt đưa lên trên trang web của cục và của Bộ NN&PTNT để xin ý kiến đóng góp rộng rãi nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn này.
Xin cảm ơn ông!

Đình Thắng