Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là một trong những địa phương làm tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ cơ sở hạ tầng đến việc phát triển kinh tế đã được bà con người Mông nơi đây đồng lòng thực hiện. Cái đói, cái nghèo đã lùi xa, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc.
Ngày trước, mỗi khi nhắc tới bản Hua Tạt, xã Vân Hồ là gợi nhớ đến sự nghèo khó. Trải qua bao năm vật lộn với hành trình xóa bỏ cây thuốc phiện, bà con người Mông nơi đây mới dần ổn định cuộc sống. Ngày nay đến bản Hua Tạt ai cũng cảm nhận sự đổi thay nhanh chóng của bản Mông ngày nào. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát. Nương thuốc phiện khi xưa giờ được phủ xanh bởi cây ăn quả như hồng giòn, cà chua, mận, đào.... Người dân không còn nhắc tới cây thuốc phiện và sự lạc hậu nữa, ở mỗi nếp nhà họ cùng nhau nói về chương trình xây dựng nông thôn mới. Ai cũng háo hức tham gia và cùng nhau đóng góp công sức để xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.
Vựa hoa quả đất Vân Hồ
Nhà ông Tráng A Cao, Bí thư Chi bộ bản Hua Tạt nằm cạnh đường 6. Ngôi nhà gỗ vững chãi của gia đình ông Cao đã được dựng lên từ nhiều năm nay. Xung quanh nhà là vườn quýt, hồng giòn tươi tốt. Ông Cao đang thu hoạch quýt đường. Từng thùng quýt chín đỏ tươi được chất lên xe để chuyển về Hà Nội. Theo ông Cao, năm nay quýt bán được giá. Nhà ông thu được 40 tấn, doanh thu mấy trăm triệu đồng.
Người cán bộ năng động và thích làm kinh tế này đã luôn là động lực để bà con người Mông nơi đây noi theo. Sau hơn chục năm bản thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới, ông Cao luôn là người gương mẫu đi đầu. “Muốn hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên cái bụng của bà con phải đủ no đã. Con cái có phải được học hành, hủ tục phải loại bỏ. Muốn vậy việc phát triển kinh tế phải được chú trọng. Đời sống của bà con ổn định mới thực hiện được những mục tiêu tiếp theo”, ông Cao cho biết.
Bản Hua Tạt có gần trăm hộ dân đều là bà con người Mông. Bao năm bà con chỉ canh tác trồng ngô, trồng lúa, chứ ít gia đình đi sâu vào sản xuất hàng hóa. Ông Cao lại là người năng động, ông đã mạnh dạn chuyển đất nương sang trồng cà chua trái vụ, trồng hồng giòn, rồi quýt đường và cả cam canh nữa. Sau bao năm kiên trì với việc phát triển kinh tế, ông Cao đã dần gặt hái được quả ngọt. Mỗi năm doanh thu của gia đình lên trên tỷ đồng.
Sự thành công của ông Cao là nguồn cổ vũ lớn tới người dân trong bản Mông. Họ cũng dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vườn tạp phủ xanh bởi cây hồng giòn, cà chua. Nhờ biết sản xuất hàng hóa mà đời sống của mỗi gia đình nơi đây đã có sự thay đổi rõ rệt. Anh Giàng A Tủa cũng là hộ mạnh dạn chuyển sang trồng mận từ nhiều năm nay. Mỗi năm gia đình anh thu cả trăm triệu đồng từ việc bán mận. Anh Tủa chia sẻ, năm tới tôi cũng sẽ chuyển một phần diện tích trồng ngô sang trồng cà chua trái vụ. Cây cà chua trồng ở đất Hua Tạt cho sản lượng lớn và bán được giá cao.
“Tỷ lệ hộ nghèo ở bản giờ giảm xuống còn có vài phần trăm. Đa phần các hộ dân đã biết sản xuất hàng hóa. Họ đã phá thế độc canh cây ngô trên nương để trồng hoa quả. Nhờ lợi thế khí hậu và đất đai, nên bản Hua Tạt trồng được nhiều loại hoa quả ôn đới như mận, lê và làm rau trái vụ”, ông Cao cho biết thêm.
Bản Hua Tạt xóa được đói, giảm được nghèo và giờ trong bản còn có nhiều triệu phú nhờ chuyển đổi cây trồng. Đây là động lực để các bản khác như Suối Lìn, Chiềng Đi… đã và đang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Có thể nói xã Vân Hồ là điển hình về phát triển kinh tế. Theo thống kê của UBND xã Vân Hồ, trên địa bàn xã có 02 Nhà máy chế biến nông sản gắn với chế biến (Công ty TNHH ICFOOD SONLA và Công ty Chè Nhật SATOEN); 12 hợp tác xã và 219 hộ sản xuất kinh doanh, 41 công ty doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã.
Xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới
Khi kinh tế ngày càng được nâng lên, đời sống văn hóa của bà con cũng được quan tâm. UBND xã Vân Hồ cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới theo đúng phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”; kết hợp các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước với huy động nội lực trong nhân dân, huy động xã hội hóa để triển khai phù hợp với điều kiện của xã.
Theo báo cáo của UBND xã Vân Hồ, đến nay xã đã đạt 19/19 (tổng số) tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện. 13/13 bản, tiểu khu có đường bê tông kiên cố. Giáo dục, y tế được quan tâm.
Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị trong xã, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 có nhiều chuyển biến; kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đảng ủy và HĐND xã giao. Các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp đạt và vượt theo chỉ tiêu kế hoạch như diện tích lúa mùa, lúa nương, ngô, cỏ chăn nuôi, rau trồng tập trung đạt trên 100% kế hoạch. Thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cây lương thực trên đất dốc sang phát triển cây ăn quả theo chỉ đạo của UBND huyện, diện tích cây ăn quả 726,53 ha đạt 120,25 so với kế hoạch giao; sản xuất nông sản hàng hóa từng bước chuyển dịch theo hướng an toàn, hữu cơ, có sự liên kết với thị trường tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã. Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm nông nghiệp từng bước được mở rộng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước chuyển biến tích cực, nhiều hoạt động văn hoá, thể dục thể thao đã được tổ chức và đạt kết quả tốt. Các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, ưu đãi người có công tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. - Lĩnh vực y tế: Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên, công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm. 3 Các chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm triển khai tổ chức tiêm phòng định kỳ cho trẻ em và phụ nữ mang thai trên 13 bản, tiểu khu.