Trở lại vạch xuất phát
Nhìn trang trại chanh tiền tỷ của Nguyễn Văn Bách ở xã Yên Phú (Hàm Yên, Tuyên Quang) không ai nghĩ anh đã từng bị coi là “kẻ thất bại” chỉ vì kiên quyết bỏ công việc là nhân viên kinh doanh ở phố để về trồng chanh.
“Khi tôi bỏ công việc nhân viên kinh doanh về quê trồng chanh, cả gia đình phản đối kịch liệt. Bố mẹ cố gắng lo cho tôi ăn học chỉ mong thoát ly khỏi nghề nông nghèo khó, cơ cực”, Bách chia sẻ. Mà quả thật khi mới về quê nhìn mảnh đất khô cằn, đầy sỏi đá Bách không khỏi hoang mang, “biết trồng cây gì ở nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này đây” – Bách tự nhủ, thế rồi anh “liều” đưa cây chanh về trồng thử nghiệm và “thật may mắn là đã thành công”. Bây giờ mảnh đất ấy trở thành trang trại chanh sum suê, trĩu quả.
Thậm chí, qua nhiều năm mày mò nghiên cứu, Bách còn trồng thành công cây chanh tứ mùa, biến những triền đồi chỉ có cỏ cháy khô khát thành những trang trại trù phú.
Tương tự như Bách, Bùi Mạnh Ly đã ôm cục nợ 4 tỷ đồng khi sau cú thất bại khi khởi nghiệp với nông sản. Thế nhưng chàng giám đốc trẻ của Công ty CP nông nghiệp Việt Thương cho rằng mỗi bạn trẻ cần có tư duy sáng tạo và mạnh dạn thử nghiệm để tìm cho mình một hướng đi thích hợp.
Không nhất thiết phải chọn nông nghiệp
Trước đây, mỗi khi nghe đến cụm từ về quê khởi nghiệp, người ta hay nghĩ đến những câu chuyện anh kỹ sư bỏ việc để chăn nuôi gia súc hay cô bác sĩ bỏ nghề để cấy trồng một giống lúa mới. Đó cũng là một xu hướng khởi nghiệp đình đám một thời khi nông nghiệp – ngành vốn được vận hành theo cách truyền thống, nay được các bạn trẻ phát triển và sáng tạo theo những cải tiến mới, mang lại năng suất và hiệu quả cao hơn.
Anh Kiến Tường, 34 tuổi, bắt đầu khá muộn khi đã ngoài 30 và từng bị bạn gái dọa chia tay khi quyết định rời Sài Gòn để về Sóc Trăng mở một tiệm gia công kính. Nhưng chỉ sau hai năm, từ một tiệm kính nhỏ với một nhân công duy nhất, anh Kiến Tường đã mở rộng tiệm với bốn nhân công và hai năm sau nữa thì mở thêm một cửa hàng mới. Anh đón bạn gái về quê để cùng điều hành doanh nghiệp của mình và hào hứng cho biết nếu công việc thuận lợi, anh sẽ mở rộng sang các tỉnh khác của miền Tây.
Lợi thế lớn nhất của việc về quê khởi nghiệp là chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn hẳn ở các đô thị lớn từ 30 – 50%, nên gánh nặng về vốn của các bạn trẻ được giảm tải rất nhiều. Thêm nữa, mật độ cạnh tranh ở các đô thị nhỏ tương đối thấp, người dân không có nhiều lựa chọn và so sánh nên nếu nhanh nhạy và sáng tạo, các bạn trẻ có thể dễ dàng chiếm vị trí “độc tôn” trong ngành nghề của mình.
“Tuy nhiên, mặt thuận lợi cũng đi kèm với mặt bất lợi. Ví dụ như ở quê, bạn bỏ vốn ít nhưng đồng thời, thu nhập người dân cũng thấp nên giá thành dịch vụ, sản phẩm cũng phải điều chỉnh tương ứng. Tương tự, mức độ cạnh tranh thấp đồng nghĩa với việc người dân ít có cơ hội tiếp cận với các xu thế mới nên khi bạn mang một dịch vụ mới về, chưa chắc họ đã chấp nhận và yêu thích”, anh Kiến Tường chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến của anh Kiến Tường, Lê Nghi – một bạn trẻ cũng bỏ phố về quê khởi nghiệp cho biết thêm: “Nhìn chung, về quê khởi nghiệp cũng như khởi nghiệp ở thành phố hay ở nước ngoài, có mặt thuận lợi thì cũng có thử thách đi cùng. Điều khác biệt là nghe đến cụm từ về quê khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ có khuynh hướng e ngại vì nghĩ là… không sang chảnh và không có nhiều tiền. Tuy nhiên, thực tế là có nhiều đại gia nông thôn giàu gấp mấy lần các gia đình trung lưu ở thành phố. Vậy nên, cơ hội làm giàu ở đâu cũng có, quan trọng là bạn có sáng tạo và bền chí hay không”. Bạn sẽ đủ can đảm để về quê khởi nghiệp chứ?
Đừng nghĩ về quê khởi nghiệp là thất bại
Nói về xu hướng về quê khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh: “Chủ trương chung của chúng ta là khuyến khích trí thức trẻ chủ động tìm về nông thôn, tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp để làm ăn. Những năm gần đây, xu hướng này thể hiện khá rõ, với nhiều thanh niên trí thức về nông thôn làm ăn hiệu quả và chắc chắn trong thời gian tới, tỷ lệ thanh niên trí thức về làm việc ở khu vực tam nông sẽ tăng lên”.
Đồng quan điểm trên, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận T.Ư trăn trở: “Làm sao có thể đưa tri thức trẻ về nông thôn và làm thế nào để bạn trẻ học xong trở về nông thôn… là những câu hỏi và trăn trở rất lớn của Đảng, Chính phủ. Trước hết, tôi mong muốn và kêu gọi các hộ dân hãy khuyến khích, động viên con em mình học hành tới nơi tới chốn và quay về để phục vụ quê hương mình. Việc về quê khởi nghiệp không phải là thất bại hay thiệt thòi”.
Bà Trương Thị Mai dẫn chứng: “Tôi còn nhớ có một bạn trẻ sau khi làm việc ở thành phố một thời gian đã quyết định về quê trồng thanh long. Ban đầu cha mẹ bạn trẻ rất bất bình, nhưng sau 2 năm mô hình đó đã chứng minh được tính hiệu quả kinh tế cao, và bạn trẻ đó đã quyết định đúng. Tôi nghĩ tấm gương trên không phải là cá thể, rất nhiều thanh niên quay về nông thôn làm ăn và rất thành công. Điều đáng nói là các bạn trẻ có ăn học đàng hoàng thì cách làm kinh tế cũng khác, hiệu quả hơn rất nhiều”.