dd/mm/yyyy

Từ hai bàn tay trắng, anh nông dân "hái ra tiền" nhờ cây đô la

Anh Lê Văn Thìn khởi nghiệp từ bàn tay trắng ở vùng khó xã Kon Thục (huyện Mang Yang, Gia Lai). Sau nhiều lần thất bại, anh đã tìm ra loại cây đặc biệt với thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng.

Năm 2010, anh Lê Văn Thìn (34 tuổi, ở xã Kon Thục, huyện Mang Yang, Gia Lai) vào lập nghiệp tại Tây Nguyên với đôi bàn tay trắng. Vì kinh tế khó khăn nên anh đã vào một xã vùng sâu, vùng xa để làm thợ sửa xe máy.

Khi trong tay có chút vốn, anh Thìn đã mạnh dạn mua một ha đất nhằm thực hiện mơ ước xây dựng trang trại nông nghiệp cho riêng mình. Khó khăn khi không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong canh tác nông nghiệp nên hàng trăm gốc tiêu của anh bị bệnh chết.

Không bỏ cuộc, anh Thìn tiếp tục trồng lại hồ tiêu và xen canh thêm cây ngắn ngày để tăng thu nhập. Vượt qua khó khăn, anh Thìn dần gom mua được hơn 3ha đất nông nghiệp với 3000 trụ tiêu và các loại cây ăn trái.

Từ hai bàn tay trắng, anh nông dân "hái ra tiền" nhờ cây đô la  - Ảnh 1.

Từ hai bàn tay trắng, anh nông dân chân đất lăn lộn thử nghiệm nhiều mô hình để phát triển kinh tế trên vùng đất khó.

Tuy nhiên, anh Thìn luôn ấp ủ tìm ra loại cây đặc biệt trồng sao để tránh được thảm cảnh "được mùa, mất giá" và mang lại lợi nhuận cao. Sau nhiều lần đi tìm kiếm ở các tỉnh miền Tây và Đà Lạt, anh đã chọn cho mình được cây đô la để trồng trên mảnh đất đỏ bazan Gia Lai.

Vào năm 2021, anh Thìn đã mạnh dạn mua 1.200 cây giống đô la từ Đà Lạt về trồng. Trải qua hơn 5 tháng, cây đô la đã phát triển tốt và cho thu hoạch.

Từ hai bàn tay trắng, anh nông dân "hái ra tiền" nhờ cây đô la  - Ảnh 2.

Ngoài việc trồng hồ tiêu, anh Thìn còn chuyển hướng trồng thêm cây đô la để phục vụ các vựa hoa cảnh ở Tây Nguyên.

"Cây đô la được người dân trồng để lấy cành lá bán cho các đại lý kinh doanh hoa, cây cảnh. Mình thấy cây này phát triển nhanh, ít sâu bệnh và đầu ra ở vùng Tây Nguyên còn nhiều nên đã mạnh dạn đầu tư, phát triển", anh Thìn cho biết.

Sau gần nửa năm trồng, anh Thìn đã đi khắp các tiệm hoa lớn nhỏ ở tỉnh Gia Lai, Bình Định để tìm đầu ra cho cây đô la. Vì giá thành rẻ và vận chuyển gần nên nhiều vựa hoa, cửa hàng đã đặt hàng thường xuyên từ vườn anh Thìn.

Từ hai bàn tay trắng, anh nông dân "hái ra tiền" nhờ cây đô la  - Ảnh 3.

Mô hình mới trồng đã đạt tín hiệu vui khi mỗi tháng anh cắt bán cành, thu được hàng chục triệu đồng.

Hiện nay, cành đô la được anh Thìn thu hái và nhập cho các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh hoa tươi ở Gia Lai và Bình Định với giá khoảng 150 nghìn đồng/kg. Với hơn 1.200 cây đô la, mỗi ngày anh có thể cắt hái khoảng từ 30kg lá và thu về hàng triệu đồng. Vào dịp lễ, tết, anh Thìn thu cả trăm ký lá cây đô la cung cấp cho thị trường các tỉnh.

Theo anh Thìn, cây đô la dễ trồng, dễ chăm, giá thị trường cũng khá ổn định và mang lại nguồn thu thường xuyên cho các gia đình. Trung bình, 2 sào đất trồng cây đô la sẽ mang lại thu nhập trung bình hơn 200 triệu đồng/năm, cao hơn giá trị trồng cà phê nhiều. Đồng thời, công chăm sóc, chi phí nhân công và phân bón cũng thấp hơn hẳn.

Từ hai bàn tay trắng, anh nông dân "hái ra tiền" nhờ cây đô la  - Ảnh 4.

Đối với người dân Tây Nguyên thì cây đô la còn khá mới mẻ nên nhiều người còn e dè, chưa dám phát triển.

"Trồng khoảng 5 tháng thì cây phân cành, cần ngắt đọt để cây đô la nuôi cành. Khi cành lá già, cứng thì có thể thu hoạch. Mình thấy cây này có mùi nên đang gửi ra các lò để đánh giá về hiệu quả khi sản xuất tinh dầu", anh Thìn bộc bạch.

Trước nguồn đầu ra dồi dào, anh Thìn và bà con trong xã Kon Thục đang mở rộng mô hình để trồng xen canh. Đồng thời, anh Thìn cũng đang mày mò để chế tinh dầu cây đô la, qua đó giúp tăng thu nhập cho bà con trong vùng ở thời điểm giáp hạt như hiện nay.

Cây đô la có tên là Pulverulenta baby blue thuộc họ bạch đàn (Eucalyptus), có nguồn gốc từ Tasmania, Australia. Cây có mùi hương dịu nhẹ, tán lá tròn có màu sáng khi còn non, xanh lục khi trưởng thành. Người dân thường sử dụng cây này để cắm, trang trí hoa tươi vì lá cây đẹp, bền, có hương thơm.


Phạm Hoàng