Gà Đông Tảo tại trại gà của anh Tuấn cung ứng cho thị trường miền Nam mỗi dịp tết.
Lập trại gà 'tiến vua' từ 200.000 đồng
Những ngày cuối năm, người nông dân Vũ Ngọc Tuấn (47 tuổi, ấp Hòa Bình, xã Đông Hoà, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) càng tất bật hơn khi các đơn đặt hàng về loại gà Đông Tảo (còn gọi là Đông Cảo) ngày càng nhiều. Nhìn vẻ bên ngoài đầy sương gió, khắc khổ, không ai nghĩ rằng anh là ông chủ của một trong những trang trại gà Đông Tảo lớn nhất thị trường miền Nam với số lượng gà Đông Tảo thuần chủng cung cấp ra thị trường lên đến hàng nghìn con/năm.
Bằng chất giọng nhẹ nhàng, đậm chất Nam bộ, anh Tuấn không ngần ngại chia sẻ về cuộc đời long đong và cơ duyên của mình trong hành trình đến với giống gà thuần chủng độc đáo này. Anh Tuấn sinh ra trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Tuổi thơ anh cơ cực ngay từ thửa mới lọt lòng. Hàng ngày, cha anh phải đi bán vé số dạo, mẹ anh bươn chải với mớ rau ngoài chợ để nuôi 7 người đang tuổi ăn, tuổi học.
Lớn lên trong sự gian truân nên anh Tuấn sớm bươn chải vào đời để san sẻ phần nào gánh nặng cuộc sống với mẹ cha. Trong những tháng ngày làm thuê ở Hà Nội, anh Tuấn tình cờ đọc được thông tin về giống gà Đông Tảo. Dù chưa mường tượng ra loại gà này là như thế nào nhưng thấy cái tên hay hay, lại là giống gà mà người xưa dùng để "tiến vua" thì nghĩ chắc là phải quý hiếm, độc đáo lắm.
Gà Đông Tảo được anh Tuấn đem giống từ miền Bắc vào miền Nam từ hơn 10 năm trước.
Một ý tưởng “lóe” lên trong đầu: Sao không thử đem giống gà này về Đồng Nai nuôi! Thế là Tuấn lặn lội xuống tận vùng đất Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” gà Đông Tảo để tìm hiểu. Khi thấy "cơ duyên" đã đến, anh Tuấn không ngần ngại dốc toàn bộ số tiền 200.000 đồng mà mình chắt chiu trong suốt thời gian làm thuê ở đất Bắc để mua 10 còn gà giống Đông Tảo rồi đem về Đồng Nai… bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
Lần đầu tiên nuôi loại gà lạ này, anh Tuấn không nắm rõ về tập tính của gà cũng như kinh nghiệm nên lần thử nghiệm đầu tiên anh Tuấn gặp thất bại. Lúc khó khăn nhất thì cũng là lúc Tuấn được gia đình và đặc biệt là người vợ luôn động viên, ủng hộ. Niềm đam mê với gà Đông Tảo một lần nữa như thắp lửa trong lòng, Tuấn quyết đi vay để lấy tiền đầu tư nuôi giống gà “tiến vua” này.
"Vua" gà Đông Tảo
Vào mỗi dịp cận Tết, thị trường gà Đông Tảo ở miền Nam lại rơi vào tình trạng “cháy hàng". Dù giá thành của gà "tiến vua" không hề rẻ nhưng vẫn thu hút khá nhiều người tìm mua để biếu hoặc dùng trong ngày Tết. Với đặc điểm là chất lượng thịt thơm ngon, hình dáng kỳ dị từ đôi chân cho đến phần đầu nên gà Đông Tảo luôn là hàng “hot”.
Khởi nghiệp với 200.000 đồng, đến nay anh Tuấn đã làm chủ trại gà "tiến vua" lớn nhất miền Nam.
Trang trại nuôi gà Đông Tảo với hàng nghìn con gà thuần chủng của anh Tuấn đã được khách hàng đặt mua hết. "Vào khoảng tháng 3 dương lịch là tôi thả nuôi hơn 3.000 con gà giống thuần chủng để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Tính đến thời điểm cận Tết, số lượng người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp tìm mua gà Đông Tảo tăng đột biến nên toàn bộ số gà nuôi lấy thịt để bán vào dịp Tết đã hết hàng cách đây hơn 1 tháng. Giá gà Đông Tảo thịt được tôi đưa ra là 350.000 đồng/kg đối với gà trống và 300.000 đồng/kg đối với gà mái", anh Tuấn thông tin.
Gà Đông Tảo có chân to thì giá trị kinh tế càng cao.
Hiện tại trong trại gà của anh Tuấn chỉ còn khoảng 300 con gà với dáng vẻ rất đẹp mã và đôi chân rất to, số gà này cũng đã được khách hàng đặt trước để làm quà biếu, đây là những con gà thuần chủng, dáng “độc”, giá bán có thể lên tới hàng chục triệu đồng/con. “Những con gà Đông Tảo được chọn làm quà biếu phải là những con đẹp mã, đặc biệt là đôi chân phải to. Đối với những con gà làm quà biếu, tôi không bán theo cân mà sẽ được bán theo con với giá dao động từ 3 triệu đến 6 triệu đồng/con”, anh Tuấn nói.
Lý giải về việc tại sao nuôi gà Đông Tảo cho lợi nhuận lớn nhưng rất ít người nuôi ở phía Nam, anh Tuấn cho rằng, mặc dù khá to, khỏe nhưng gà Đông Tảo có những điểm yếu riêng nên việc tăng đàn thường chậm. Mặt khác, loại gà này đẻ trứng ít hơn gà ta và rất vụng về trong việc ấp nở. Vì vậy, tỷ lệ ấp chỉ đạt từ 60 - 70%. Đây chính là nguyên nhân giống gà này khó phát triển rộng rãi.
Gà Đông Tảo đang khá "hot" vào những dịp lễ, Tết.
Gà Đông Tảo đạt trọng lượng đến trên 1 kg/con nhưng cơ thể vẫn trần trụi. Chúng mọc lông chậm nên gà nhỏ không thích nghi với khí hậu ngoài Bắc và thường bị chết vào mùa đông. Còn ở miền Nam, gà này chỉ bị hao hụt vào thời điểm giao mùa nắng, mưa. “Để phát triển gà Đông Tảo, tôi chọn gà mái khỏe để đẻ, còn trứng cho gà ta ấp thì tỷ lệ nở và nuôi con sẽ hiệu quả hơn. Một gà trống Đông Tảo chỉ nên nuôi chung với 5 gà mái là đủ...”, anh Tuấn chia sẻ.
Mỗi tháng, ông chủ này bỏ túi khoảng 100 triệu đồng từ việc phân phối giống gà thịt và gà Đông Tảo thuần chủng.
Khác biệt nữa giữa gà ta và gà Đông Tảo ở chỗ, gà ta nuôi từ lúc mới nở đến khi xuất bán chỉ cần khoảng 6 tháng, còn gà Đông Tảo phải mất gần 1 năm. Thịt gà ta ăn ngon nhất là gà trống tơ và gà mái mới đẻ lứa đầu tiên nhưng gà Đông Tảo lại ngon khi gà mái đã đẻ vài lứa và gà trống nuôi một năm trở lên.