Mùa vải thiều sớm giúp nông dân Thanh Hà thu về khoảng 700 tỉ đồng. Ảnh IT
Mùa vải sớm "cháy" hàng
Vụ vải năm nay, huyện Thanh Hà đầu tư 130ha trồng vải theo quy trình an toàn VietGAP tại 4 xã “vùng xuất khẩu”: Thanh Bính, Thanh Khê, Thanh Thủy, Thanh Xá. Hiện có 70ha trong số 130ha vải VietGAP ở đây cho thu hoạch.
Ông Lê Sỹ Tín – Chủ tịch UBND xã Thanh Bính
Bà Phạm Thị Vân (xã Thanh Bính) cho biết, sau 4 năm trồng vải đây là năm gia đình bà thu hoạch 1 sào vải VietGAP đầu tiên. Dự kiến, năng suất đạt 4 tạ/sào. "Rất phấn khởi, vì vụ đầu gia đình đã được mùa, giá bán cũng cao. Lúc đầu vụ giá vải 55.000-60.000 đồng/kg, bà con phấn khởi lắm cháu ạ"- bà Vân cho biết.
Bội thu vụ vải năm nay, ông Vũ Văn Nguyên (xã Thanh Bính) chia sẻ, gia đình ông có 1ha trồng vải sớm, đầu mùa đến giờ ông thu hoạch trên 4 tấn quả, vụ năm nay trúng giá ông thu về hơn 150 triệu đồng. Hiện, gia đình ông Nguyên vẫn tiếp tục thu hoạch hàng tấn vải còn lại.
Chia sẻ về hoạt động thu hoạch vải, ông Lê Sỹ Tín – Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho hay, lực lượng lao động thu hoạch mùa vải thiều sớm chủ yếu là nguồn lao động tại chỗ. Các gia đình huy động người thân, chỉ một số ít phải thuê người bẻ vải trả công 300.000 đồng/tạ. “Do thương lái chủ yếu cân vải vào buổi sáng, đồng thời tránh thời tiết nắng nóng người dân thường đi hái vải từ 4-8 giờ sáng. Ít nhà thu hoạch vào buổi chiều”- ông Tín nói.
Người dân phẩn khởi vì trúng mùa vải sớm. Ảnh danviet
Cũng theo ông Tín, có vài chục thương nhân Trung Quốc hoạt động mua vải trên địa bàn xã mua vải thiều sớm. Công an huyện và xã đều giám sát tình hình, không có hiện tượng dìm giá và gây mất trật tự trên địa bàn. “Đa số thương lái Trung Quốc không ngủ lại địa phương, họ thường đến vào buổi sáng để giám sát và cân hàng. Sau khi đóng hàng họ rời đi, có thể họ ở các khách sạn trên thị trấn, hoặc thành phố. Một số thương lái họ đưa xe tải về mua đầy xe chạy thẳng lên cửa khẩu về nước ngay trong ngày. Không có hiện tượng ép giá, không gây mất an ninh trật tự” - ông Tín nói.
Vải thiều chủ yếu xuất khẩu Trung Quốc
Được biết, khoảng ½ sản lượng vải thiều huyện Thanh Hà được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ ở nội địa. Toàn vụ vải kéo dài trong 2 tháng. Thu hoạch vải sớm diễn ra trước vải muộn khoảng 45 ngày. Dự tính 10 ngày tới người dân bước vào thu hoạch vải muộn. Đáng nói, vụ vải muộn năm nay ở Thanh Hà được đánh giá mất mùa. So với năm 2016, sản lượng vải muộn toàn huyện giảm ½ chỉ đạt 5.000 tấn.
Thương lái tới tận vườn thu mua vải để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh IT
Bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thanh Hà
Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết thêm, mùa vụ năm nay, việc bán vải diễn ra thuận lợi. Thương lái Trung Quốc nhờ người địa phương lập các điểm thu mua vải. Hàng ngày, họ đến điểm thu mua giám sát và nhận hàng. Có 80% sản lượng vải của xã Thanh Bính được các thương lái Trung Quốc thu mua, số còn lại do các thương nhân nội địa nhập bán. Trong đó, một số người đánh xe tải ra tận vườn mua vải cho nông dân.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thanh Hà cho biết, trên địa bàn huyện có gần 4.000ha trồng vải thiều, trong đó có 1.300ha vải sớm, còn lại là vải muộn.
Theo đó, 1.300ha vải sớm được trồng chủ yếu tại 6 xã thuộc khu Hà Đông của huyện. Vụ vải sớm năm nay bắt đầu từ ngày 10.5, hiện người dân ở Thanh Hà đang thu hoạch trà cuối vụ vải sớm.
Năm nay, do thời tiết thuận lợi với cây vải sớm, cộng hưởng kỹ thuật chăm sóc tốt, tỷ lệ đậu quả đạt 90%. Sản lượng vải sớm Thanh Hà năm nay rất cao, ước tính với 1.300ha vải sớm cho thu hoạch khoảng 18.000 tấn quả.
Mùa vải sớm ở Thanh Hà năm này có giá bán cao kỷ lục từ 45.000 đến 55.000 đồng/kg. Ảnh Phú Lãm