dd/mm/yyyy

"Trùm" hàu sông Cửa Lấp thu tiền tỷ mỗi năm

Với hơn 10 ha mặt nước nuôi hàu Thái Bình Dương, mỗi năm ông Nguyễn Văn Nhất (53 tuổi, phường 12, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) thu hoạch khoảng 150 - 200 tấn, cho thu nhập từ 3,5 - 4 tỷ đồng.

Bén duyên với hàu Thái Bình Dương

Ban đầu, ông Nhất nuôi hàu thiên nhiên nhưng hiệu quả mang lại không cao. Qua tìm hiểu thông tin trên báo đài, ông mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi hàu Thái Bình Dương. "Tôi ra Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản ở Nha Trang mua gần 10 kg hàu giống về nuôi. Thời điểm đó, tôi là người đầu tiên nuôi loại hàu Thái Bình Dương ở địa phương" - ông Nhất kể.

"Trùm" hàu sông Cửa Lấp thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nhất, "trùm" hàu trên sông Cửa Lấp.

Khi mua hàu giống, ông được chỉ dẫn nuôi 10 - 12 con/giá thể. Do chất lượng nước và môi trường tại khúc sông trước nhà khá tốt nên ông "làm liều" nuôi tới 50 -100 con/giá thể. Giá thể nuôi được ông dùng chính vỏ hàu. "Mỗi 1 ha mặt nước tôi đầu tư khoảng 200 triệu đồng tiền mua vật dụng như tre, vỉ sắt, thùng nhựa,… để làm bè nuôi" - ông Nhất nói.

Phải trầy trật, nhiều lần thất bại ông mới nắm bắt được kinh nghiệm và phương pháp nuôi hiệu quả.

Ông Nhất chỉ nuôi hàu từ 4 - 5 tháng là xuất bán, không nuôi quá lâu dễ khiến hàu sinh sản và chết. Kích thước hàu Thái Bình Dương cũng lớn tương đương hàu tự nhiên, tuy nhiên chất lượng thịt được đánh giá cao hơn và ưa chuộng hơn.

Hồi sinh nhánh sông "chết"

Ông Nhất kể, rạch Cây Khế nơi ông nuôi hàu trước đây như "con sông chết". Bởi đây là nhánh cụt của sông Cửa Lấp và ít người qua lại. Không ai có thể nuôi trồng hay đánh bắt được gì trên đoạn sông này. Thêm đó, một thời gian dài do không được kiểm soát nên con sông bị "đầu độc" bởi nhiều nguồn ô nhiễm khiến nước chuyển đen, đặc quánh và có mùi hôi.

Nghĩ mình phải cải tạo làm "sống lại" khúc sông này, ông bắt tay vào thả nuôi những bè hàu đầu tiên. Điều đáng mừng là con hàu Thái Bình Dương nhanh chóng thích nghi và phát triển tốt. Vùng nuôi hàu của gia đình vì thế mà lớn dần và dần phủ kín đoạn sông trước nhà.

"Trùm" hàu sông Cửa Lấp thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Mỗi ngày ông Nhất thu hoạch từ 5 tạ đến 1 tấn hàu thương phẩm.

Quanh vùng có nhiều công ty chế biến hải sản, rau củ nên thường thải nước ra sông. Con hàu không chỉ giúp kinh tế của gia đình ông Nhất khá giả mà còn giúp lọc sạch nguồn nước con sông, giảm ô nhiễm. "Những người đánh bắt bằng xung điện, thuốc nổ khi vào đoạn sông này đều bị chúng tôi "cự" đuổi ra hết nên nguồn cá trên khúc sông này sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều. Gần đây, khúc sông này còn xuất hiện nhiều loại cá quý mà trước đây đã vắng bóng như cá chão, cá măng…" - ông Nhất vui mừng nói.

Thu tiền tỷ

Dẫn phóng viên đi tham quan vùng nuôi hàu của gia đình, ông Nhất tự hào khoe: "Tôi nuôi hơn 10 ha mặt nước, còn con tôi cũng đầu tư mỗi người một ít với diện tích nuôi khoảng 4 ha".

Theo ông Nhất, ban đầu nuôi được hàu đã vất vả trầy trật, việc đưa sản phẩm ra thị trường lại càng gian nan. Hàu Thái Bình Dương có màu sắc, hình dạng khắc hẳn hàu thiên nhiên. Thời điểm đó, người dân ít biết về loại hàu mới nên có tâm lý e ngại và sợ nên không dám mua. Ông Nhất phải chở từng bao hàu đi chào bán khắp nơi, gửi vào các quán ăn, nhà hàng. Dần dần, thị trường thích ứng với loại hàu mới, bạn hàng của ông đông dần lên và bãi nuôi hàu của ông ngày càng mở rộng.

Hiện, mỗi ngày ông xuất bán từ vài trăm kg đến gần 1 tấn hàu tùy vào đơn hàng và có nhiều mối buôn bán lớn nên không lo về đầu ra. Hàu của ông được chuyển đi các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang…

Với giá trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi năm, ông Nhất thu từ 150 - 200 tấn hàu thương phẩm, cho thu nhập từ 3,5 - 4 tỷ đồng. Trừ chi phí, nhân công, ông lãi gần 2 tỷ đồng/năm.

Nhờ con hàu Thái Bình Dương mà cuộc sống gia đình ông Nhất trở nên khấm khá. Ông Nhất có điều kiện chăm lo và nuôi 5 người con ăn học thành tài.

Vùng nuôi hàu của ông hiện tạo việc làm thường xuyên cho 10 công nhân với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.

Ông Trịnh Văn Sâm, cán bộ phụ trách thủy sản phường 12, TP.Vũng Tàu cho hay: "Địa phương nhiều hộ gia đình nuôi hàu có quy mô lớn như ông Thắng, ông Nhất. Nhìn chung, các hộ nuôi hàu lâu năm và nhiều như ông Nhất đều phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao".

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi hàu nên hiện nay có nhiều hộ dân đổ xô nuôi hàu tràn lan. Trong khi việc thiếu kinh nghiệm, thiếu am hiểu về đặc tính vùng nước sẽ dẫn đến hậu quả như ô nhiễm nguồn nước, thiệt hại kinh tế do hàu nhiễm bệnh và chết. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang quy hoạch, sắp xếp lại vùng nuôi trồng thuỷ sản lồng bè khu vực này để đảm bảo nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững, tránh ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: Mạnh Quân