dd/mm/yyyy

Trồng vầu lấy măng bán, người dân nơi đây khấm khá

Những năm gần đây, nhờ trồng vầu lấy măng bán ra thị trường, cuộc sống của người dân bản Đu Lau (xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) khấm khá hẳn lên. Không ít hộ dân trong bản có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng măng vầu.

Bản Đu Lau là một trong những bản có diện tích trồng vầu lớn nhất xã Tân Lang. Hiện nay, toàn xã Tân Lang có khoảng 300 ha vầu, trong đó bản Đu Lau chiếm khoảng 2/3 diện tích của cả xã. Tìm hiểu từ phía người dân trong bản, chúng tôi được biết, cây măng vầu đã xuất hiện ở bản Đu Lau từ nhiều năm nay. Người dân chủ yếu trồng vầu trên nương, đồi, đất dốc. Ban đầu, người dân trong bản trồng chỉ để giữ đất, lấy măng ăn hằng ngày. 

Trồng vầu lấy măng, dân bản này khấm khá - Ảnh 1.

Măng vầu được người dân huyện Phù Yên bày bán nhiều ở chợ và dọc các tuyến Quốc lộ chạy qua địa bàn huyện.

Vài năm gần đây, nhận thấy trồng vầu lấy măng cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trong bản đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Chẳng mấy chốc, phong trào trồng vầu lấy măng lan rộng ra cả bản. Cây vầu nhanh chóng trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của bản Đu Lau.

Chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở bản Đu Lau (xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) một trong những hộ dân có thu nhập khá từ trồng vầu lấy măng. Chị Liên cho biết: Gia đình tôi hiện có hơn 14 ha trồng vầu. Mỗi vụ, gia đình tôi thu từ 80 tấn – 85 tấn măng tươi. Ngoài thu nhập từ việc trồng vầu lấy măng, từ năm 2011 đến nay, gia đình tôi còn thu mua thêm măng của bà con trong bản để vận chuyển đi các nơi khác bán. 

Trồng vầu lấy măng, dân bản này khấm khá - Ảnh 2.

Trồng măng vầu, nhiều hộ dân ở bản Đu Lau, xã Tân Lang, huyện Phù Yên có thu nhập ổn định.

Từ  trước và sau Tết hàng năm là mùa khai thác măng vầu chính vụ, có lúc gia đình tôi thu mua đến 30 tấn/ngày. Sau đó, măng được đóng bao cẩn thận, gọn gàng để xe tải chuyển về các chợ đầu mối ở thành phố Sơn La, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... tiêu thụ. Nhờ trồng vầu lấy măng bán ra thị trường, mà gia đình tôi mới có cuộc sống dư giả như ngày hôm nay.

Tương tự như gia đình chị Liên, gia đình anh Lý Văn Sy, bản Đu Lau cũng có nguồn thu nhập khá từ trồng vầu lấy măng. Anh Sy chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào sản xuất ngô, lúa. Cuộc sống gia đình tôi cứ thiếu trước, hụt sau, vì thu nhập từ ngô, lúa mỗi năm chẳng đáng là bao. Thấy một số hộ dân trong bản trồng vầu lấy măng bán ra thị trường, thu nhập khá ổn định, tôi bàn với vợ mở rộng diện tích trồng vầu. Đến thời điểm này, gia đình tôi có hơn 10 ha vầu, chủ yếu lấy măng bán ra thị trường. Bán măng vầu ra thị trường, với giá dao động từ 6.000 đồng- 9.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Trồng vầu lấy măng, dân bản này khấm khá - Ảnh 3.

Người dân bản Đu Lau chủ yếu trồng vầu để lấy măng bán ra thị trường.

Ngoài ra, những cây vầu từ 3 năm - 4 năm tuổi còn được người dân khai thác tỉa thưa để bán cho các công trình xây dựng hoặc người dân trong vùng và các huyện lân cận làm đồ dùng sinh hoạt, làm chuồng trại chăn nuôi,… với giá từ 20 nghìn đồng - 30 nghìn đồng/cây.

Trồng vầu lấy măng, dân bản này khấm khá - Ảnh 4.

Nhờ trồng và buôn bán măng vầu, gia đình chị Liên xây dựng được nhà cửa khang trang.

Hiện nay, các món ăn từ măng vầu khá phổ biến. Không chỉ có trong bữa cơm gia đình mà tại các khách sạn, nhà hàng, đám cưới ở nhiều nơi khác trong thực đơn cũng có món măng vầu. Măng vầu là món ăn dân giã, dễ kiếm, rẻ tiền, chế biến đơn giản như luộc, xào, làm nộm....

Hy vọng trong thời gian tới, trồng vầu lấy măng sẽ mở ra hướng đi mới, giúp nông dân xã Tân Lang (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) nâng cao thu nhập bền vững. Đồng thời, hướng đến xây dựng sản phẩm măng thành một sản phẩm đặc trưng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện đề ra.

 

Trung Hải - Thanh Văn