Tới thăm nông trại trồng đinh lăng của ông Chức, mọi người mới ngấm câu ông cha ta thường nói-đó là “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Vùng quê của ông Chức đất sỏi đá nhiều, bạc màu và khó canh tác. Ấy thế nhưng, ông Chức lại gây dựng được mô hình trồng đinh lăng hiệu quả.
Ông Nguyễn Công Chức chọn ươm, trồng đinh lăng lai cao sản với bản lá to hơn đinh lăng truyền thống. Ảnh Phạm Thi.
Ông Chức kể: “Này, trước kia tôi lang bạt đi làm thuê khắp nơi. Chổ nào có việc ới là tôi đi ngay. Nhưng làm riết mà cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Nghĩ về nhà trồng cây, nuôi gà, nhưng thấy đất đai toàn sỏi đỏ bạc màu tôi lại nản. Tình cờ ngồi trước cửa nhà, nhìn ra bụi đinh lăng, đột nhiên tôi nghĩ, cái đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này mà đinh lăng sống được mới tài. Mấy lần ra phố làm thuê, thấy người ta bán đinh lăng đắt phết. Thế là tôi nảy ra kế hoạch trồng loại cây này…”.
Ban đầu trồng thử dăm chục gốc, thấy cây phát triển khá tốt, ông Chức “đánh bạo” xuống giống trồng cả 2ha đồi sỏi của gia đình. Thấy ông trồng, dăm ba hộ, rồi hàng chục hộ trong xóm ngoài xã trồng đinh lăng theo. Và thật đáng mừng, đinh lăng không chỉ đơn thuần là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là loại cây làm giàu cho nhiều hộ dân trong xã.
Khu đất 2ha ông Chức trồng đinh lăng vốn trước kia là đất đồi cằn, khát nước và nhiều sỏi gan gà. Ảnh Phạm Thi.
Theo ông Chức, trồng đinh lăng là phải bền chí, bởi không phải trồng xuống là lấy được vốn ngay mà phải chờ 2 năm sau mới có sản phẩm.
Theo giá cả thị trường hiện nay, ông Chức đang bán 20-25.000 đồng/kg đinh lăng xô gồm cả rễ, gốc, thân, lá. Từ việc bán đinh lăng nguyên liệu và giống, mỗi năm ông Chức “đút túi” 100 triệu đồng. “Chổ đất ấy ngày trước bỏ hoang, bạch đàn còn khó sống. Giờ thì cây đinh lăng cho thu nhập ổn rồi…”, ông Chức nói.
Ông Nguyễn Công Chức cho biết, nhiều hộ nông dân xã Phương Khoan, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá nhờ trồng đinh lăng. Ảnh: Phạm Thi.