Là khách hàng nhiều năm gắn bó với Agribank (dư nợ hiện nay hơn 600 triệu đồng), cũng là lão nông miền Tây có thâm niên hơn 40 năm trong nghề trồng khoai lang, ông Thum có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng loại cây đặc sản của địa phương, luôn chủ động nắm bắt diễn biến và nhu cầu thị trường, thay đổi các giống khoai lang khác nhau cho phù hợp, từ khoai lang Dương Ngọc, khoai lang trắng, khoai lang sữa đến khoai lang tím Nhật... nhờ đó, ông Thum hạn chế được tình trạng dội hàng, thua lỗ và ép giá của thương lái Trung Quốc.
Với việc làm ăn bài bản, biết tính toán nên hiện kinh tế gia đình ông Thum tương đối khấm khá. Ông Thum thành thật chia sẻ: “Không có Agrribank sao tôi có thể tạo dựng được cơ nghiệp như ngày hôm nay”.
Chia sẻ về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng mà Agribank cung cấp tới nông dân trong thời gian qua, ông Bùi Thanh Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trung cho biết: Từ nguồn vốn của ngân hàng, hàng nghìn nông dân xã Thành Trung và các xã lân cận đã cùng nhau chuyển đổi cây trồng, hình thành vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu ở huyện Bình Tân. Agribank đã đáp ứng đầy đủ, có cơ chế tốt về nguồn vốn khi bà con có nhu cầu vốn đầu tư cho mùa vụ.
Ông Bùi Thanh Việt cho biết thêm: Xã Thành Trung hiện có trên 95% nông hộ tham gia trồng khoai lang. Có thời điểm, giá khoai lang tím Nhật Bản lên tới 1 triệu đồng/tạ, lời nhiều nên nông dân ham trồng, có lúc sản lượng khoai lên đến 300 – 400.000 tấn.
Hầu hết các hộ trồng khoai vào vụ thu hoạch đều phải thuê thêm nhân công trong ấp, vừa góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ dân vừa giải quyết vấn đề lao động nông nhàn tại địa phương. Nhờ cây khoai lang, cuộc sống của các hộ dân ở huyện Bình Tân đã trở nên khấm khá, no đủ.
Được các hộ nông dân trong ấp phong là “tổ trưởng” tổ trồng khoai ấp Thành Lộc, lão nông Đỗ Văn Thum giờ đây trở thành người tư vấn, hỗ trợ bà con cách thức trồng khoai, định hướng cho họ cách làm ăn bài bản, hiệu quả.
Bà Phan Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bình Tân cho biết: Huyện đã có chủ trương và ra nghị quyết tạo thương hiệu riêng cho khoai lang Bình Tân, tuy nhiên hiện nay, hiện trạng trồng khoai lang ở xã Thành Trung và nhiều xã lân cận còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết để hình thành vùng chuyên canh khoai lang với quy mô lớn, đặc biệt đầu ra cho sản phẩm còn hạn hẹp khi phần lớn người trồng khoai ở xã Thành Trung nói riêng và huyện Bình Tân nói chung đều xuất bán dưới dạng thô và lệ thuộc vào thương lái Trung Quốc; tới mùa thu hoạch rộ, nhiều thương lái làm tiểu xảo - ép giá hoặc hạn chế thu mua, làm cho người trồng khoai lâm vào cảnh khó khăn.
Do đó, việc xây dựng chuỗi liên kết hoàn chỉnh 6 nhà trong sản xuất nông nghiệp bao gồm: Nhà nông, Nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối là giải pháp hiệu quả cho vấn đề tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch vùng cây ăn trái và hoa màu đặc sản tại miền Tây, góp phần thúc đẩy khu vực Tây Nam bộ vươn lên phát triển và xứng tầm với tiềm năng và quy mô của khu vực.