dd/mm/yyyy

Trại lợn cách ly như… bệnh viện

Chỉ với 600 nái lợn nhưng anh Hưởng phải đầu tư đến 22 tỷ đồng. Nhưng chính việc chăn nuôi bài bản bằng quy trình nghiêm ngặt như vào bệnh viên, anh Hưởng không phải lo đầu ra, không sợ dịch bệnh, doanh thu ổn định mỗi năm lên đến 18 tỷ đồng.

Cách ly 3 ngày mới được “gặp” lợn

          Phải thuyết phục mãi chúng tôi mới được ông Nguyễn Văn Hưởng (thôn 3, xã Đăk Sin, huyện Đăk R’Lấp, Đăk Nông) đồng ý cho thăm trang trại. Nhưng mặc dù đã được sát trùng ngay từ ngoài cổng, chúng tôi vẫn không thể tiếp cận được khu chuồng trại của ông Hưởng mà chỉ có thể xem nó qua màn hình theo dõi. Ông Hưởng bảo, không loại trừ bất kỳ ai, nếu muốn tiếp cận được khu vực chuồng trại thì phải qua phòng sát trùng và phải ở cách ly 3 ngày.

          Cũng phải thôi, với mức đầu tư đến 22 tỷ đồng thì quy định nghiêm ngặt ấy là hết sức cần thiết. Theo ông Hưởng, ở trang trại của ông, không chỉ quy định trên mà tất cả các quy định khác đều phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Công nhân trước khi vào nhà máy, sau 3 ngày cách ly còn phải qua một lần sát trùng nữa và phải thay đồ riêng mới được tiếp cận chuồng trại. Không chỉ thế, công nhân ở khu sạch (khu vực lợn đẻ và mang thai) và c ông nhân ở khu bẩn (khu tiêm vắc-xin) cũng phải ăn ở và sinh hoạt tách biệt, không được tiếp cận với nhau.

          Nói về việc chăm sóc, ông Hưởng cho biết, trang trại hiện có 20 công nhân, kỹ thuật viên và một bác sĩ thú y túc trực thường xuyên. Chế độ ăn uống của lợn đều theo một quy trình kỹ thuật đặc biệt. Tùy theo lứa tuổi, thể trạng mà lợn có một “sơ đồ” dinh dưỡng riêng. Cứ 3 ngày, mọi khu chuồng trại đều được sát trùng, 3 tháng lợn nái được tiêm vắc- xin một lần và tất cả lợn đều được tiêm đến 6 loại vắc- xin. Toàn bộ khu vực chuồng trại luôn được giữ ở 270C bằng hệ thống làm mát tự động. “Tính ra, mỗi một nái lợn, tôi đầu tư đến 32 triệu đồng”- ông Hưởng cho biết.

          Thu chục tỷ mỗi năm

          Ông Hưởng kể, năm 2006, ông bắt đầu nuôi lợn nái sản xuất con giống. Với quy mô 60 nái, và bằng việc chăm sóc kỹ càng, trang trại của ông cho lợi nhuận khá cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2012, qua tư vấn của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP, ông quyết định kêu gọi những người xung quanh góp vốn đầu tư làm ăn lớn. Tin tưởng vào “tay nghề” của ông Hưởng, em trai ông cùng 5 người nữa đã quyết định góp vốn thành lập nên Hợp tác xã Đồng Tiến, vay ngân hàng 6 tỷ đồng và góp thêm vốn để đầu tư vào trang trại.

          Nhờ quy trình chăm sóc một cách bài bản, hơn 3 năm qua, trang trại của Đồng Tiến luôn phát triển ổn định. Hiện mỗi tháng, trang trại xuất khoảng trên dưới 1.000 lợn giống, với trọng lượng từ 20-25 kg. Giá bán lợn tùy theo trọng lượng, trong đó, 20 kg đầu được mua đúng giá cam kết của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP, mỗi kg tiếp theo được tính theo giá ưa đãi. “Nếu trước đây, mỗi nái cho 5 lứa/3 năm thì nay với quy trình chăm sóc đặc biệt mỗi nái có thể cho 2,4 lứa/năm, số con giống cũng tăng lên. Hiện trung bình mỗi lứa cho khoảng 10 lợn giống. Số con giống này đều được Công ty Cổ phần chăn nuôi CP bao tiêu toàn bộ. Hiện chúng tôi chưa thể tính toán được lợi nhuận vì đang trong quá trình hoàn vốn song nếu tính doanh thu thì được khoảng 18 tỷ/năm”- ông Hưởng cho biết.

          Cũng theo ông Hưởng, chỉ trong vòng chừng 2 năm nữa, Đồng Tiến sẽ thu hồi hết vốn. Sắp tới, Hợp tác xã này sẽ tiếp tục mở với quy mô lên đến 1.800 lợn nái. “Với quy trình chăn nuôi như hiện nay, chúng tôi có thể hoàn toàn yên tâm vấn đề dịch bệnh trên đàn lợn. Không chỉ thế, so với cách chăn nuôi trước đây thì mặc dù đầu tư rất lớn nhưng lợi nhuận thu về cũng không hề nhỏ”- ông Hưởng nói.

Duy Hậu