Ba tháng nay, ngày nào Phạm Văn Sơn cũng thức dậy với tâm trạng hồi hộp khi bước đến khu giàn rau thủy canh đang trồng thử nghiệm. Hôm nay anh lại đến ngắm lứa rau trồng gần 20 ngày, cây phát triển bình thường, không bị vàng lá, còi cọc hoặc thân yếu rồi chết như các lứa trước.
"Thành công rồi chăng", Sơn tự nhủ rồi lôi sổ sách ra nghiên cứu lại áp lực máy bơm nước, chế độ dinh dưỡng trong lần xuống giống này.
Chàng nông dân trẻ tuổi vốn là kỹ sư công nghệ thông tin, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ năm thứ ba đại học, Sơn đã hợp tác với một startup Việt xây dựng ứng dụng điện thoại có tên Zinmed. Đây là giải pháp quản lý nhịp tim, huyết áp, các chỉ số đường huyết trong máu và chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường. Ứng dụng còn có khả năng đưa ra lời khuyên và kết nối trực tiếp bệnh nhân với y bác sĩ khi các chỉ số cơ thể có dấu hiệu bất thường. Đảm nhận vai trò giám đốc kỹ thuật, Sơn trực tiếp viết và quản lý mảng lập trình công nghệ. Sau 3 năm, khi ứng dụng đã hình thành, anh rút khỏi dự án vì bắt đầu nhen nhóm niềm yêu thích với việc trồng trọt.
Vào khoảng giữa năm 2015, trước các thông tin thực phẩm bẩn bủa vây, nhiều bà nội trợ tận dụng sân thượng hoặc khoảng trống ít ỏi trên các ban công để trồng rau. Các bài viết chia sẻ kinh nghiệm trồng rau tại nhà đăng trên mạng thu hút nhiều người làm theo, nhưng đa phần không đạt kết quả vì dân thị thành ít kinh nghiệm trồng trọt. Thấy khoảng trống này, một vài nhóm dịch vụ đã ra đời cung cấp giải pháp trồng rau tại nhà. Khách hàng chỉ cần bỏ tiền, họ sẽ mang đất, khay nhựa, giống cây đến tận nhà để thiết kế một khu vườn đứng. Chàng kỹ sư hào hứng ấp ủ ý tưởng xây dựng một startup như vậy, nhưng dịch vụ tốt hơn, đáng tin cậy hơn và sẽ từng bước đưa công nghệ vào quá trình trồng trọt.
Sơn chưa làm ngay mà đi học thêm marketing và tìm bạn đồng hành. Anh may mắn gặp hai bạn Nguyễn Văn Đức - kỹ sư cơ khí Đại học Bách Khoa và Nguyễn Thị Minh - sinh viên trường nông nghiệp. Với khoảng 20 triệu tích cóp trước giờ, Sơn và cộng sự bắt tay vào "làm ăn". Anh lo về quản lý và marketing online, chăm sóc khách hàng. Đức chịu trách nhiệm thiết kế và thi công khung thép làm giá đỡ cho các khay trồng cây, còn Minh tư vấn khách hàng cách trồng và chăm sóc.
Phân chia là như vậy, nhưng do chỉ có ba người nên khi thi công cả nhóm cũng phải hỗ trợ nhau. Vất vả nhất là những lần lắp đặt mô hình trồng rau trên sân thượng giữa cái nắng gay gắt của những ngày hè Hà Nội. Có khi, cả nhóm phải cùng nhau vác hơn 50 bao đất từ tầng một lên tầng sáu. Còn những ngày kết thúc công việc lúc 21-22h thì không thể kể hết.
"Lúc đó, mỗi tháng tụi mình có khoảng 15 dự án thôi là muốn 'gãy lưng' rồi. Công việc cũng đủ thu nhập cho cả nhóm và tiền mở rộng quy mô, nhưng vất vả quá", Sơn chia sẻ về những ngày đầu bước ra kinh doanh.
Lúc này, trên thế giới bắt đầu rộ lên các mô hình trồng rau thủy canh quy mô nhỏ. Một vài nhóm đã ứng dụng mô hình để cung cấp giải pháp trồng trọt trong gia đình. Cây trồng trên các giàn thép dẫn nước và dinh dưỡng, thông qua các máy bơm tự động. Nhờ cách ly hoàn toàn với đất, cây ít bị sâu bệnh và phát triển nhanh hơn. Nhìn những giàn rau thủy canh xanh mướt, đẹp mắt, Sơn đánh giá đây sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng mới. Nghĩ là làm, lần nữa anh quyết định dừng dịch vụ trồng rau địa canh để nghiên cứu việc trồng thủy canh. Và có lẽ đây là canh bạc lớn nhất của chàng trai này tới thời điểm đó.
Sơn nhập mô hình trồng rau thủy canh từ Trung Quốc về, lắp đặt và trồng thử. Mọi thứ đã nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng rau trồng cứ vừa đâm lá vài ngày lại héo úa, hoặc úng gốc. Hết lứa này đến lứa khác mà vẫn chưa có kết quả, anh lại nhập thêm phiên bản trồng thủy canh khác. Kết quả vẫn không có gì khá hơn, trong khi nguồn vốn đổ cho việc thử nghiệm đã vượt qua con số 50 triệu đồng. Nản chí với mô hình mới, bạn kỹ sư nông nghiệp rút khỏi nhóm. Hầu như ai cũng chán vì tiền mất hàng ngày mà không có kết quả gì.
"Nhưng cứ có một tia hy vọng thì mình cứ mon men theo nó mà đi. Mỗi lần thất bại, ta lại hiểu nguyên nhân tại sao. Lúc nào cũng có cảm giác chỉ cần điều chỉnh lại một chút là thành công. Chính vì vậy, mình mới mê rau cỏ đến thế", Sơn bộc bạch. Đúng như niềm tin của anh, cái ngày hai chàng trai chờ đợi cũng đến.
Khi tìm được công thức trồng rau thủy canh, Sơn và Đức thử nghiệm trước với các dự án nhà phố quy mô nhỏ, cam kết sẵn sàng trả lại tiền nếu cây không sống khỏe. Tỷ lệ các dự án thành công lúc đầu chỉ đạt khoảng 80%, tức số dự án phải bồi thường cũng không ít. Nhưng nhờ kiên trì học hỏi, dần dần nhóm khắc phục các vấn đề và số dự án nhận về cứ thế tăng dần. Nhóm phải tìm thêm nhân sự mới đủ đáp ứng nhu cầu công việc.
Bên cạnh dự án trồng rau tại nhà, đến cuối năm 2016, có một số nông trại liên hệ với Sơn để đặt hàng. Anh biết đây chính là thời điểm nhóm phải thành lập doanh nghiệp để có thể hoạt động quy mô lớn hơn. Công ty Lisado ra đời, đặt trụ sở tại Hà Nội, mở rộng kinh doanh ra nhiều tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung bộ. Trong năm 2017 vừa qua, startup này đã phục vụ hơn 100 dự án trồng rau trong nhà và 7 nông trại quy mô lớn.
Tuy nhiên, đam mê lớn nhất của Sơn là ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế anh đã nghiên cứu và phát triển ứng dụng Vườn rau Lisado - giải pháp quản lý, chăm sóc vườn rau thông qua điện thoại di động. Ứng dụng sẽ ghi nhận và cập nhật đến chủ nhà tất cả các chỉ số liên quan đến sinh trưởng của cây như ánh sáng, chất dinh dưỡng, nồng độ oxy trong nước, nhiệt độ, độ ẩm.... Khi các chỉ số này xuống thấp, người dùng có thể chủ động bật tắt đèn, bơm và sục khí cũng chỉ bằng cách thao tác trên điện thoại.
Đi kèm với ứng dụng này này là hệ thống trồng rau thủy canh tự động bao gồm đèn LED chiếu sáng chuyên dụng, giàn trồng rau, máy bơm, sục khí... Các thiết bị đều có gắn cảm biến và có khả năng tự vận hành, ngay cả khi chủ nhà quên điều khiển. Dù không sử dụng đất và ánh sáng mặt trời, mô hình trồng rau này cho sản lượng cao gấp 2-3 lần so với các phương pháp truyền thống.
Theo tính toán của Sơn, với hệ thống tự động, trung bình mỗi gia đình chỉ chi khoảng 130.000-150.000 đồng là đã có đủ rau sạch ăn một tháng, rẻ hơn so với mua rau tại chợ hoặc siêu thị. Tuy nhiên, mô hình đòi hỏi số vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 15-20 triệu đồng cho giàn rau 3 tầng, mỗi tầng 1m2.
Hiện hệ thống đã nghiên cứu hoàn thiện nhưng chưa thương mại hóa được vì chi phí cao. Sơn và Đức vẫn kiên trì mày mò, tìm cách nội địa hóa các thiết bị để giảm tối đa giá thành.
"Phương pháp canh tác mới rất được ưa chuộng tại các nước. Nhiều khách hàng tại Việt Nam cũng thích hệ thống của chúng tôi, nhưng do giá thành còn đắt đỏ. Khi tiết giảm được giá, mình tin rằng, mô hình sẽ là xu hướng trong tương lai", Sơn nhìn nhận.