dd/mm/yyyy

Tỉnh nghèo "chịu chơi" chi chục tỷ xây công viên ... thả trâu, nhốt gà

Năm 2001 tỉnh Hà Giang thực hiện dự án công viên nước Hà Phương số vốn đầu tư là 54 tỉ đồng, vốn ngân sách là 24 tỉ đồng, Công ty TNHH Sông Lô tiến hành xây dựng. Đến nay, công viên đang bỏ hoang nhưng tỉnh Hà Giang lại "chịu chơi" tiếp tục chi hơn 43 tỷ đồng đền bù cho nhà đầu tư.

Mục sở thị công viên nhốt gà, thả trâu

Từ trung tâm TP Hà Giang hướng lên cửa khẩu Thanh Thủy khoảng 8km sẽ tới phường Phương Độ, ngay bên phải đường là cụm công viên nước Hà Phương nổi bật với những dãy tường như thành quách, bỏ hoang mốc meo đến rợn người. Chúng tôi đi vào công viên một cách tự do, không gặp bất cứ một sự kiểm tra, hay dấu hiệu nào của sự quản lý.

Quang cảnh hoang tàn không bóng người trong công viên Hà Phương. Ảnh: GT
Quang cảnh hoang tàn không bóng người trong công viên Hà Phương. Ảnh: GT

Theo thiết kế ban đầu năm 2001, công viên Hà Phương rộng 75ha với rất nhiều hạng mục vui chơi giải trí. Nhưng đến nay, công viên này chỉ có khung cảnh hoang tàn. Dịch vụ duy nhất ở đây là câu cá.

Anh Nguyễn Văn Tâm 37 tuổi - một người thường đến đây câu cá cho hay: “Chúng tôi chỉ là những cần thủ biết công viên có dịch vụ câu cá, đến thuê dịch vụ câu với giá 300 nghìn đồng một ca, còn cảnh quan xung quanh tình trạng bỏ hoang cũng khá lâu rồi. Trước kia cũng thấy Công ty Sông Lô tiến hành chỉnh trang lại nhưng được một thời gian ngắn lại thấy họ rút hết đi, chúng tôi không hiểu vì sao”.

Chúng tôi đi vòng ra khu vực cổng chính nơi được coi là điểm nhấn của công viên, với khu vực bể bơi và vui chơi nước, đập vào mắt là một cảnh tượng hết sức xót xa, hoang tàn. Những bể bơi ở đây chủ yếu là chứa rêu mốc.

Những trò chơi mô hình bằng sắt han rỉ dưới nắng mưa. Ở khu vực kỹ thuật để vận hành bể bơi của công viên nước, trạm điện không vận hành, đồ đạc vất lung tung, từ những vòi cao su dẫn từ suối xuống tự do chảy. Phòng điều hành, quầy bán vé, đến những vườn tượng trong công viên khiến người ta có cảm giác ở nơi đây cũng phải rất lâu rồi không có ai ngó ngàng tới.

Trước cửa công viên có trâu được người dân thả để nhởn nhơ ăn cỏ, trong công viên có những khu vực được quây lại để nuôi nhốt gà.

Một dự án được đầu tư hàng chục tỉ đồng ngân sách bị bỏ rơi không thương tiếc.

Chăn trâu trước cửa công viên. Ảnh: GT
Chăn trâu trước cửa công viên. Ảnh: GT

Một bảo vệ của công viên, tên Phương cho hay: "Trâu của người dân ngay trước cửa, họ tiện thì thả thôi, nhìn phản cảm, nhưng cũng là phản ánh đúng thực tế. Còn việc dùng công viên để thả gà, do anh em bảo vệ thấy công viên rộng, ít người qua lại, nên cũng dùng lưới quây lại để thả tranh thủ tăng gia thôi".

Bên cạnh việc lãng phí hàng chục tỉ đồng đầu tư, công viên bị bỏ hoang này còn tiềm ẩn mối nguy cho trẻ em quanh khu vực.

Diện tích công viên khá rộng, có nhiều lối đi vào, lại không được trông coi bảo vệ cẩn thận, bên trong có một hồ lớn độ sâu từ 1- 4m. Đã có trường hợp trẻ em bị ngã xuống hồ đuối nước. Gần đây nhất là trường hợp một học sinh lớp 10 Chuyên Lý Trường Chuyên tỉnh Hà Giang đã bị đuối nước tại đây.

Tiếp tục "móc hầu bao" chi hơn 43 tỷ

Điều kỳ lạ ở tỉnh nghèo Hà Giang vẫn chưa dừng lại. Đến năm 2017, công viên nước Hà Phương vẫn trong tình trạng hoang hóa nhưng UBND TP Hà Giang đã quyết định chi hơn 43 tỷ đồng để "đền bù" cho Công ty Sông Lô.

Chúng tôi đã tìm đến các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang để tìm hiểu về thông tin vì sao UBND TP Hà Giang đã "hào phóng" như vậy.

Đầu tiên chúng tôi tìm đến UBND tỉnh Hà Giang, cán bộ văn phòng tiếp nhận thông tin và cho biết, muốn tìm được thông tin về quyết định chi trả tiền cho Công ty Sông Lô, phải sang các sở chuyên môn.

Chúng tôi tìm đến Sở Tài chính, được cán bộ văn phòng trả lời, lãnh đạo sở đi họp, chưa biết bao giờ về, nên không biết đến bao giờ có câu trả lời được về số tiền chi trả cho Công ty Sông Lô.

Trước thông tin Công ty Sông Lô còn nợ thuế, chúng tôi đã tìm đến Cục thuế tỉnh Hà Giang để tìm hiểu. Nhưng cũng với lý do lãnh đạo cũng đi họp, nhân viên ở cục thuế đều lảng tránh câu hỏi và câu trả lời liên quan đến công ty Sông Lô. Nhân viên ở đây còn ngăn cản khi tôi chụp ảnh về trụ sở thuế tỉnh Hà Giang và cũng kiên quyết không cung cấp số liên lạc của lãnh đạo Cục thuế để chúng tôi gọi điện liên lạc.

Tiếp đó, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ông Sơn đã bắt máy, nhưng khi PV hỏi về số tiền hàng chục tỷ tiền ngân sách đã chi cho Công ty Sông Lô để làm công viên nước thì vị chủ tịch tỉnh đột ngột tắt máy. Từ đó phóng viên liên tục gọi điện không được ông Sơn nhấc máy nữa, nhắn tin cũng không được ông trả lời.

Theo tài liệu PV có được, ngày 28.6.2017, bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chủ tịch UBND TP Hà Giang đã ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho Công ty TNHH Sông Lô khi Nhà nước thu hồi đất tại dự án Công viên nước Hà Phương.

Theo đó, UBND TP Hà Giang đã đề nghị kinh phí bồi thường hơn 43 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Nhà nước để chi trả bồi thường cho doanh nghiệp trên. Các hạng mục được bồi thường là cây cối, hoa màu, tài sản, thủy sản, ... Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký quyết định cấp kinh phí để thực hiện phương án bồi thường.

Vì sao dự án bỏ hoang phế, không có hiệu quả sử dụng nhưng UBND TP Hà Giang vẫn móc hầu bao chi tiền tỷ đền bù cho nhà đầu tư?

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Gia Tưởng