Siêu bão số 10 đang mạnh thêm và tiến vào khu vực miền Trung nước ta. Nguồn: TTKTTVTU
Bão đang mạnh lên và hướng vào miền Trung
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 19 giờ ngày 13.9, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12.
Bộ NN&PTNT họp khẩn phòng chống bão số 10
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên. Đến 19 giờ ngày 14.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh khoảng 490km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, bão số 10 sẽ đổ bộ vào đêm 15 và sáng 16.9. Khu vực có gió mạnh từ Quảng Ninh đến Huế; vùng ảnh hưởng gió cấp 8 từ Nam Định đến Huế. Các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ có gió cấp 12, giật cấp 16.
Khẩn trương phòng chống bão số 10
Trước diễn biến cơn bão, để tránh những thiệt hại khi bão đổ bộ, nhiều tỉnh miền Trung đã khẩn trương chuẩn bị chống.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh yêu cầu các cơ quan dừng ngay các cuộc họp, công việc chưa cấp bách để phòng chống bão; tránh tư tưởng chủ quan. Tỉnh cũng ban bố việc cấm tất cả các loại tàu, thuyền, kể cả tàu vận tải và du lịch ra khơi.
Các tỉnh ven biển đang kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão và cấm biển từ hôm nay 14.9. Ảnh minh họa
Theo thống kê toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 6.000 tàu thuyền với trên 17.000 lao động. Hiện có gần 3.000 tàu đánh bắt xa bờ và ven bờ đã được liên lạc và nắm bắt thông tin về cơn bão.
Hà Tĩnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương lập đoàn công tác, cử cán bộ xuống địa bàn chỉ đạo, giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, tổ chức thu hoạch nhanh gọn hoa màu, các loại cây ăn quả...
Tại Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu lãnh đạo các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò, Bộ đội biên phòng tỉnh sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão; hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Đến cuối giờ chiều nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, gần 4.000 tàu thuyền của tỉnh với hơn 19.000 lao động đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông báo về diễn biến của bão.
Người dân chằng chống nhà cửa để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ. Ảnh minh họa
Tại Thanh Hoá, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, đến cuối giờ ngày 13.9, toàn tỉnh có hơn 4.700 tàu thuyền với hơn 11.800 lao động đang hoạt động trên biển; hiện hơn 3.470 tàu thuyền đã vào các nơi tránh trú bão an toàn, song vẫn còn hơn 1.200 tàu, thuyền với trên 7.000 lao động hoạt động trên biển.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến cơn bão, thông báo kịp thời cho các thuyền trưởng để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các cơ quan chức năng liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
"Càng vào sâu, bão càng mạnh lên, di chuyển tốc độ 15 - 20km/h. Đến mai, bão sẽ tăng tốc lên 20km/h và khi đi vào vịnh Bắc Bộ có thể đạt sức gió cấp 12, giật cấp 15.
Đây là cơn bão trẻ, đang ở ngày thứ 2. Dự kiến chiều tối 15, đêm 16.9, bão sẽ đi vào đất liền nước ta, khi đó bão ở thời kỳ mạnh nhất do tuổi thọ của bão chỉ 7-8 ngày.
Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào Nam Định - Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An - Hà Tĩnh. Với cường độ như thế này, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4" - ông Cường nói.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 15 đến trưa 16.9, các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Trị sẽ có mưa to đến rất to, phổ biến 100-300mm, riêng Nghệ An - Quảng Bình mưa 300-400mm.