dd/mm/yyyy

Tin bão khẩn cấp: Siêu bão số 10 áp sát, nông dân hối hả gặt lúa, di dời lồng cá

Siêu bão số 10 với sức gió giật cấp 16 đang tiến nhanh vào khu vực miền Trung. Nông dân miền Trung đang hối hả ra đồng gặt lúa, di dời lồng cá để bảo vệ thành quả chạy đua với siêu bão lớn nhất trong 10 năm qua.

Nông dân Hà Tĩnh hối hả gặt lúa chạy đua với siêu bão số 10

Tại Hà Tĩnh, lo sợ cơn bão số 10 đổ bộ sẽ làm hư hỏng những diện tích lúa mùa chưa kịp gặt, nông dân đành chấp nhận “xanh nhà hơn già đồng” thu hoạch những diện tích còn lại để chạy bão.

Để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão, người dân Hà Tĩnh từ sáng sớm đã có mặt trên các cánh đồng hối hả gặt lúa chạy bão. Hầu hết diện tích lúa ở các huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Can Lộc, Lộc Hà… đều đã được bà con thu hoạch xong, một số diện tích còn lại vẫn được người dân tiếp tục thu hoạch.

Để không bị mất trắng, người dân chấp nhận gặt lúa xanh

Vừa tất tả gặt lúa trên đồng, ông Nguyễn Thuận (xã Thạch Hạ, Tp Hà Tĩnh) chia sẻ: “Vụ mùa trước chúng tôi mất trắng nhiều diện tích lúa nên giờ lo bão đành chấp nhận “xanh nhà hơn già đồng” gặt toàn bộ hơn sào lúa về cho yên tâm trước khi bão vào”.

Thu hoạch lúa để bảo vệ thành quả lao động khi siêu bão ập tới

Ông Võ Tá Thành (xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc) cho biết: “Nghe tin cơn bão số 10 có khả năng đổ bộ vào Hà Tĩnh, tôi đã chuẩn bị để sáng sớm nay ra gặt gấp 2 sào lúa còn lại trên đồng. Mặc dù lúa chưa chín hết nhưng vẫn phải thuê người gặt trong ngày hôm nay, vớt vát được chứng nào hay chừng ấy”.

Một số địa phương chủ động di chuyển cá lồng bè vào nơi an toàn.

Tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) các hộ nuôi cá lồng bè trên sông cũng di dời hàng chục tấn cá vào trong ao nuôi tránh bão. Một số hộ dân đã di dời xong, một số vẫn tiếp tục nhờ người thân chuyển cá vào.

Các hộ nuôi cá lồng bè trên sông phải di dời hàng chục tấn cá vào trong ao nuôi tránh bão

Anh Nguyễn Thanh Cường, một người dân nuôi cá lồng bè cho biết: “Rút kinh nghiệm của những lần trước, lần này chúng tôi chủ động di chuyển cá vào ao nuôi an toàn. Dự kiến trong sáng nay sẽ hoàn tất việc di chuyển hơn 2 tấn cá vào ao”.

Những lồng nuôi cá khẩn trương di dời để tránh bão

Tại huyện Cẩm Xuyên, Chủ tịch UBND huyện Phạm Đăng Nhật cho biết, trên địa bàn huyện việc thu hoạch lúa vụ hè thu đã hoàn tất gần 1 tuần nay nên hiện tại địa phương đang tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn.

Đối với các xã vùng bãi ngang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão, chằng chéo lưới, đắp bờ cao lên để bảo vệ khu vực nuôi trồng thủy sản. Huyện cũng đã có phương án di dời dân những vùng xung yếu tránh bão...

Tại Quảng Bình người dân cũng chủ động, khẩn trương phòng chống bão số 10, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ.

Ông Ngô Gia Ngãi – Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết: “Ngư dân chúng tôi đã tập trung lực lượng kéo trên 1000 thuyền, bơ nan lên bờ để nơi an toàn. Ngư lưới cụ cũng được che phủ hoặc đào hố cát để cất giữ. Những hộ gia đình ở sát biển cũng đã được hỗ trợ chằng chống nhằm phóng chống gió lớn”.

Khẩn trương gia cố nhà cửa trước khi bão số 10 đổ bộ

Khu tránh trú bão Sông Gianh đến trưa ngày 14.9, đã có trên 700 tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào neo đậu. Phần lớn là tàu cá có công suất trên 400 CV. Tàu cá được hướng dẫn neo đậu đúng vị trí và chèn lốp ô tô cũ để giảm thiệt hại khi va đập.

Tàu thuyền được neo đậu vững chắc để tránh bão

Theo ông Nguyễn Đăng Thảo - Giám đốc khu tránh trú bão Sông Gianh thì ở đây thiết kế cho khoảng 450 tàu có công suất dưới 300 CV nên lượng tàu lớn vào trú bão đã quá tải. Khu tránh trú bão Roòn cũng đã có 320 tàu vào neo đậu. Ở đây cũng đã có hiện tượng quá tải vì công suất thiết kế của khu neo đậu chỉ có 280 tàu.

“Hiện nay lực lươgn Bộ đôi biên phòng đang hướng dẫn cho tàu ngư dân ngược lên thượng nguồn sông Gianh để tránh trú”- ông Thảo cho hay.

B.C