dd/mm/yyyy

Tìm ra kế sách làm giàu với tôm xen cua dưới chân đèo Cù Mông

Làm nông vùng ven biển này, không gì giàu nhanh mà cũng “tiêu” nhanh bằng nuôi thủy sản. Bởi giá trị kinh tế cao nhưng không tránh được dịch bệnh. Anh Nguyễn Thế Hùng (34 tuổi, ở xã Xuân Lộc, TX.Sông Cầu, Phú Yên) đã quyết tìm ra kế sách làm giàu bằng mô hình tôm xen cua.

Một góc vựa nuôi tôm xen cua dưới chân đèo Cù Mông, Phú Yên

Vét vốn trút xuống biển

Từ nhỏ đã theo cha nuôi tôm, rồi lập nghiệp cũng bằng chính nghề nuôi tôm, Hùng nhìn nhận: “Vùng cát phía Nam đèo Cù Mông này, chỉ có nuôi trồng thủy sản là thượng sách. Hơn mười năm trước, nuôi tôm có ăn lắm. Thế nhưng dần dà bị ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh lan tràn không cách gì chống đỡ nổi! Bà con cụt vốn dần, chán nản, bỏ hoang hàng dãy ao hồ đã đầu tư bao nhiêu tiền của…”.

Anh Nguyễn Thế Hùng đang kiểm tra hồ nuôi tôm xen cua. 

Tôi thả mật độ thưa để thông thoáng tầng nước, giúp cho nuôi trồng phát triển tốt hơn. Tôm, cua thường bị loại dịch bệnh khác nhau nên có vụ bị lỗ tổn con này, còn có con kia bù đắp. Theo dõi sát sao mấy vụ nuôi xen, tôi thấy bớt “cân não” vì bệnh dịch, độ rủi ro giảm hẳn. Tôm, cua thịt thu hoạch luôn đạt chất lượng cao, an toàn vệ sinh nên giá cả khá ổn định, lợi nhuận “ấm túi”. Sản phẩm tốt còn tạo vị thế cho mình, không để thương lái dễ dàng ép giá. Bởi, không bán nơi này thì có đại lý khác sẵn sàng đến tận hồ để cân, mua.
Anh Nguyễn Thế Hùng

Vợ ở nhà làm thợ may, Hùng suốt ngày quanh quẩn với mấy ngàn mét vuông hồ tôm. Bao nhiêu vốn liếng gia đình dành dụm đều “trút” xuống mặt nước. Vào cuộc “năm được, năm mất”, anh thấy không thể “cất đầu” lên được với quy trình nuôi tôm sú hồ hở ở vùng này. Hùng lục tìm sách báo, lên mạng tìm hiểu cặn kẽ kiến thức nuôi thủy sản.

Đến năm 2010, cùng một số anh em Hội Nông dân xã, Hùng bắt xe lang thang dọc Nam Trung bộ, vào miền Tây để học hỏi nghề nuôi thủy sản. Nhận thấy mô hình nuôi tôm xen cua có nhiều ưu điểm, anh về khôi phục lại đìa để nuôi thử nghiệm.

Đợt đầu, vợ chồng Hùng vét vốn trong nhà và vay ngân hàng gần 100 triệu đồng để thả giống gần 2.000m2, dần dà đến nay đã đạt 1ha tôm xen cua. Bên cạnh đó, anh cũng đã từng bước đầu tư hàng trăm triệu đồng vào các loại máy móc chuyên dụng để thường trực sức khỏe của tôm, cua. Mỗi năm, anh thả bình quân 20 vạn tôm thẻ và 5.000 con cua giống.

Tôm thì đúng kỳ nuôi 3 - 4 tháng cho thu hoạch; còn cua thì có thể “tỉa” dần loại lớn để bán tùy theo thời điểm được giá. Hiện giá tôm sú đang đạt 250.000 đồng/kg, cua gạch từ 280.000 - 350.000 đồng; dân nuôi đang có thu nhập cao, bình quân lãi 500 triệu đồng/ha/vụ. Theo anh Hùng, thị trường thủy sản đang ngày càng rộng mở, nếu sản phẩm chất lượng thì chẳng lo đầu ra.

Box: Tôi thả mật độ thưa để thông thoáng tầng nước, giúp cho nuôi trồng phát triển tốt hơn. Tôm, cua thường bị loại dịch bệnh khác nhau nên có vụ bị lỗ tổn con này, còn có con kia bù đắp. Theo dõi sát sao mấy vụ nuôi xen, tôi thấy bớt “cân não” vì bệnh dịch, độ rủi ro giảm hẳn. Tôm, cua thịt thu hoạch luôn đạt chất lượng cao, an toàn vệ sinh nên giá cả khá ổn định, lợi nhuận “ấm túi”. Sản phẩm tốt còn tạo vị thế cho mình, không để thương lái dễ dàng ép giá. Bởi, không bán nơi này thì có đại lý khác sẵn sàng đến tận hồ để cân, mua.
Anh Nguyễn Thế Hùng

Vực dậy vùng nuôi trồng Cù Mông

Theo ông Nguyễn Chung Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, tổng diện tích nuôi thủy sản tại xã hiện đạt 140ha. Riêng diện tích tôm xen cua chiếm trên 100ha, thu hút 200 hộ dân đầu tư nuôi. Năm vừa qua, Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh đã tiến hành cho vay ưu đãi để bà con nơi đây thêm điều kiện đầu tư thâm canh mô hình này.

Đoàn công tác của Trưởng ban Dân vận TW Trương Thị Mai và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn thăm hồ nuôi thủy sản của anh Nguyễn Thế Hùng.

“Dân vùng Cù Mông này có truyền thống nuôi thủy sản, với thế mạnh bãi cát phẳng rộng, khí hậu ôn hòa. Thế nhưng càng về sau này, nghề nuôi thủy sản càng bấp bênh do dịch bệnh. Mặc dù ngành chức năng đã làm nhiều cách nhưng tổn hại do dịch bệnh thủy sản ngày càng trầm trọng. Mô hình tôm xen cua đã khẳng định ưu thế hơn hẳn so với việc nuôi tách biệt hai loại này. Xác định đây là kinh tế triển vọng, địa phương đang phối hợp chặt với các ngành chức năng để hỗ trợ bà con mở rộng làm ăn”, ông Thịnh nói.

Thực tế, lúc chỉ nuôi sú, dân ở đây luôn cố tình vệ sinh ao hồ, tìm diệt cho bằng hết cua. Thế nhưng một số cua còn sót lại thì sinh trưởng rất khỏe. Bên cạnh đó, dịch bệnh tôm cũng hạn chế. Hóa ra, hai loài này có thể sống chung, tương hỗ nhau, tạo “thiên địch” để diệt trừ một số tạp chất có thể gây mầm bệnh. Nuôi tôm xen cua theo hướng an toàn sinh học này lại bớt chi phí, sản phẩm được giá cao hơn.
Ông Nguyễn Đình Phú - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lộc.

“Anh Hùng là một trong những người xông xáo đi đầu mô hình tôm xen cua và thành công, góp phần vực dậy vùng nuôi thủy sản này, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người”, ông Nguyễn Đình Phú - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lộc cho hay.

Ông Lê Đủ - Chủ tịch Hội Nông dân Phú Yên bày tỏ: “Tôi rất tâm đắc với những người dám mạnh dạn mở đường làm ăn như anh Hùng. Không đơn giản để tìm ra và khẳng định một hướng làm kinh tế hiệu quả như mô hình tôm xen cua. Đợt đầu, Hội đã tiếp sức cho vay ưu đãi đối với anh Hùng và 11 hộ khác để mở rộng thâm canh. 30 triệu đồng/hộ đối với nghề nuôi thủy sản là không nhiều. Sắp tới, Quỹ hỗ trợ của Hội sẽ tiếp tục đầu tư cho vay ưu đãi 1 tỉ đồng để tiếp sức nhiều nông dân khác ở Xuân Lộc với nghề nuôi tôm xen cua”.

Kỹ sư Nguyễn Tri Phương - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên nhìn nhận: Mô hình nuôi cua xen canh là một bước đột phá của nông dân Xuân Lộc. “Thực tế, việc theo dõi, phòng chống dịch bệnh nuôi trồng thủy sản luôn hết sức thử thách. Ngành nông nghiệp đã sát cánh ủng hộ những nhân tố đi đầu nuôi tôm xen cua như anh Hùng. Mô hình kinh tế nào xuất phát từ nhu cầu thực tế vùng của nông dân thì họ mới đam mê đeo đuổi, để nâng cao thu nhập cuộc sống. Cơ quan thủy sản đang tiếp tục bám sát mô hình này để kịp thời hỗ trợ, tìm hướng nhân rộng bình ổn theo lộ trình nuôi trồng an toàn sinh học”.

Hùng Phiên