dd/mm/yyyy

Tìm giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bò sữa

Giai đoạn 2011 - 2016, ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta đạt kết quả khá khả quan, với đàn bò sữa gần 284 nghìn con, cho sản lượng sữa tươi đạt hơn 795 nghìn tấn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao của người dân, phấn đấu đến năm 2020 có 500 nghìn con bò và đạt một triệu tấn sữa, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

Cung chưa đủ cầu

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành chăn nuôi bò hiện nay của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt và sữa cho hơn 90 triệu người dân. Một số tỉnh, thành phố có số lượng bò sữa lớn như: TP Hồ Chí Minh (nhiều nhất cả nước với hơn 90 nghìn con), Nghệ An (hơn 62 nghìn con), Sơn La, Lâm Đồng (khoảng 20 nghìn con), Hà Nội (hơn 15 nghìn con)… nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, quy trình chăn nuôi chưa khép kín, khiến các hộ nuôi cá thể gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, một số công ty, tập đoàn như: TH True Milk, Vinamilk, Mộc Châu, Hoàng Anh Gia Lai, Friesland Campina Vietnam... mặc dù có sự đầu tư lớn cho bò sữa, sản lượng sữa tươi nguyên liệu cũng mới chỉ đáp ứng 35% nhu cầu thị trường.

Ông Hoàng Khắc Dũng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội) chăm sóc đàn bò sữa của gia đình. Ảnh: QUANG THIỆN

Ông Nguyễn Văn Bưởi (huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: Chăn nuôi bò sữa khá vất vả, vì vậy nhiều người không mặn mà. Có thời điểm giá thức ăn, con giống tăng cao, chưa tính chi phí xây chuồng trại, hệ thống làm mát… đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Đó là chưa kể vào mùa đông, do nhu cầu giảm, DN hạn chế thu mua sữa, rồi có khi còn thanh toán chậm khiến chúng tôi phải chật vật tìm “đầu ra”, gặp khó khăn trong tái đầu tư mở rộng sản xuất.

Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với sữa nguyên liệu nhập khẩu từ nhiều nước, hiện các công ty chế biến sữa áp dụng nghiêm ngặt các chỉ tiêu kỹ thuật, do đó khâu kiểm tra chất lượng phụ thuộc vào các trạm thu gom, nhưng khi có phát sinh, hộ chăn nuôi phải tự xử lý, thêm tốn kém.

Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên như: Quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa thực hiện còn chậm; hệ thống giống bò quốc gia chưa hình thành; diện tích đất canh tác để trồng cỏ cho bò sữa còn ít (170 nghìn ha); việc chế biến thức ăn thô xanh và phụ phẩm nông, công nghiệp cho bò sữa còn hạn chế; chưa thiết lập được hệ thống về kiểm soát chất lượng sữa tươi nguyên liệu và sữa thành phẩm; thiếu công nghệ bảo quản và chế biến sữa ở cả nông hộ và trang trại…

Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi

Để đáp ứng cung - cầu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi bò sữa, nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong chăn nuôi, nhất là lập kế hoạch quỹ đất cho chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò. Đáng chú ý là khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi bò sữa quy mô lớn áp dụng công nghệ cao, chế biến và kinh doanh ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sữa.

Trước hết là nhập khẩu các giống bò tốt nhất về để chuyển giao, cũng như nhập khẩu vật chất di truyền cao ở các nước phát triển (bò đực, tinh thường, phôi thường, tinh phân giới, phôi phân giới) để thực hiện Chương trình lai tạo bò sữa để bình tuyển đánh giá cho đàn hạt nhân và lai tạo với tinh bò sữa năng suất cao chuyển cho các vùng có điều kiện nuôi và chế biến sữa. Tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến của các nước để ứng dụng vào sản xuất, chế biến; chọn lọc, đánh giá, đeo số tai, sổ giống, áp dụng tin học trong quản lý đàn bò. Tổ chức tập huấn kỹ thuật và năng lực thương mại cho hộ chăn nuôi; đào tạo tập huấn cho kỹ thuật viên gieo tinh bò nhân tạo kỹ thuật, công nghệ mới. Đồng thời, kiên quyết thải loại những cá thể có năng suất thấp, khả năng sinh sản và nhân giống kém.

Trang trại nuôi bò sữa tại Mộc Châu (Sơn La). Ảnh TL

Thực hiện sản xuất theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và tiến tới xuất khẩu. Để chuỗi hoạt động có hiệu quả, các hộ chăn nuôi cần liên kết với nhau thành lập tổ hợp tác, ký hợp đồng với DN tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường xây dựng thương hiệu cho chăn nuôi bò sữa. Cùng với đó, khuyến khích DN đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn TMR (thức ăn trộn hỗn hợp) và thức ăn bổ sung, nhân rộng các mô hình chế biến thức ăn TMR để bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng và từng bước nâng chất cũng như năng suất đàn bò hiện nay. Chuyển đổi một phần diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn cho chăn nuôi bò.

Ngoài ra, để bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, các nhà máy chế biến sữa cần thu mua sản phẩm với giá hợp lý theo nguyên tắc cùng có lợi. Đồng thời, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sữa bảo đảm sự minh bạch và công khai.

Hy vọng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này và đẩy mạnh chế biến, đa dạng hóa sản phẩm sữa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đây sẽ là hướng đi bền vững cho sản xuất, kinh doanh bò sữa ở nước ta.

Anh Quang