dd/mm/yyyy

“Thuyền trưởng” bản lĩnh của nhiệt điện An Khánh

Không ít lần ông trầm tư khi có người bảo: “Đem 1.000 tỷ đồng gửi vào ngân hàng thì mỗi năm cũng có gần 100 tỷ đồng tiền lãi, đi du lịch khắp thế giới vẫn không hết, làm sao phải lao tâm khổ tứ, ngày làm việc tới 17- 18 tiếng đồng hồ”. Nhưng người doanh nhân ấy vẫn không chọn con đường yên ả, không chọn một cách sống giản đơn mà sẵn sàng dấn thân, đem mồ hôi công sức đóng góp cho đời…

Bản lĩnh vươn khơi


Luôn có lòng trắc ẩn, sống nội tâm nhưng trong công việc, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh lại nổi tiếng là người quyết đoán, sẵn sàng chọn những đáp án khó để trí tuệ được tỏa sáng nhằm tìm giải pháp tối ưu. Bởi thế, trong con mắt của nhân viên, của đồng nghiệp ông được xem là vị thuyền trưởng đầy bản lĩnh.

Doanh nhân Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh

(ảnh tư liệu)

Không bản lĩnh sao được khi con người với vóc dáng khiêm nhường ấy, ở tuổi lục tuần, đang nắm giữ cương vị chủ đầu tư 8 dự án, trong đó có 3 dự án nhóm A do Chính phủ quản lý. Điều đáng nể là các dự án do ông đảm nhận đều triển khai đúng tiến độ, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và trong nước.


Nếu có dịp đi qua vùng quê An Khánh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), hẳn ai cũng hướng sự chú ý tới một công trình bề thế: Nhà máy nhiệt điện An Khánh. Được biết nhà máy có tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng và đây cũng là thành quả sau 5 năm chung lưng đấu cật của ông Thắng và cộng sự. Có những lúc ông Thắng tưởng như đứng trên bờ vực đổ vỡ như rất nhiều dự án đầu tư gặp phải thời điểm kinh tế khủng hoảng, nhưng với trí tuệ sáng suốt, bản lĩnh kiên cường và niềm tin sắt đá vào hướng đi đã chọn, trong khó khăn Nhà máy nhiệt điện An Khánh đã chính thức đi vào hoạt động, đưa nguồn điện hòa lưới điện quốc gia từ tháng 4.2015.


Ông Thắng cho biết, hiện mỗi năm Nhà máy sản xuất và cung cấp trên 800 triệu KWh, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 450 lao động lành nghề, nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm… Đây cũng là dự án nhiệt điện có công suất lớn duy nhất Việt Nam do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ. Điều này đã tạo động lực để ông Thắng và các cộng sự tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện có quy mô 600 MW, với nguồn vốn trên 20.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thắng (thứ hai bên phải sang) và chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm và làm việc tại Công ty CP Nhiệt điện An Khánh (ảnh tư liệu)

Một câu chuyện từng gây rúng động giới đầu tư khi ông Nguyễn Văn Thắng là người giành phần thắng trong thương vụ M&A dự án khai thác quặng đa kim Núi Pháo trị giá nhiều tỷ USD.


Núi Pháo là dự án khai khoáng tầm cỡ thế giới với trữ lượng Vonfram lên tới khoảng 21 triệu tấn. Nhưng ít người biết hàng chục năm trước, ông Thắng đã phải đi vận động từ các cơ quan chức năng, tới từng người dân để đặt được mũi khoan đầu tiên lên Núi Pháo. Bao nhiêu trí lực, tài lực, sức lực ông Thắng đổ hết vào đó.


Có thời điểm dự án gặp khó khăn, được ví như “khúc xương khó nhằn”, nhiều tổ chức tài chính quốc tế với tiềm lực hùng mạnh sau một thời gian đầu tư vào Núi Pháo đã phải “bán lúa non”. Từ vị thế là một cổ đông nhỏ nắm giữ 15% cổ phần, ông Thắng đã lật ngược thế cờ khi bắt tay liên doanh với một tập đoàn trong nước. Nhờ thế, năm 2014 dự án Núi Pháo được tái khởi động, với nguồn vốn đầu tư trên 600 triệu USD, triển khai bằng công nghệ khai thác và chế biến quặng đa kim, một công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam.


Ông Thắng tự tin cho biết, dự án Núi Pháo sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách lớn cho Nhà nước, khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 1.700 lao động địa phương. Với những con số ấn tượng đó, dự án Núi Pháo được đánh giá là điểm nhấn của ngành công nghiệp luyện kim công nghệ cao của Việt Nam và Đông Nam Á.

Người truyền lửa


Vóc dáng một doanh nhân tầm cỡ được khẳng định qua những dự án “khủng”, tuy nhiên dấu ấn tạo nên những thành công rực rỡ của doanh nhân Nguyễn Văn Thắng không chỉ dựa vào tiềm lực tài chính, mà còn ở yếu tố con người. Bên cạnh ông hiện nay là một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư năng động, tận tụy và bản lĩnh.


Câu chuyện của Phó Tổng giám đốc Cù Xuân Dũng là một ví dụ. Chàng trai 8X này đã từ bỏ một công việc trong “mơ” tại một doanh nghiệp nhà nước để về đầu quân cho “sếp” Thắng. Dũng chia sẻ, đến với An Khánh không phải vì lương cao hay được đãi ngộ hơn mà điều cuốn hút nhất là được làm việc trong môi trường khuyến khích sự năng động, sáng tạo. Người truyền lửa không ai khác chính là vị thuyền trưởng Nguyễn Văn Thắng mà anh vốn ngưỡng mộ.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện An Khánh (ảnh tư liệu)

Ở Công ty An Khánh còn có 2 Phó Tổng giám đốc khác cũng còn rất trẻ, đó là những người con của ông Thắng. Sau khi được đào tạo bài bản tại Australia, họ đã về nước làm trợ thủ của bố. Sẵn sàng từ chối những lời chào mời hấp dẫn để đổi lấy một công việc đầy thách thức, đó là những thế hệ kế cận được ông truyền lửa đủ để nuôi dưỡng những khát vọng lớn lao.


Dâng cho đời quả ngọt


Là doanh nhân mang nhiều khát vọng trên thương trường, nhưng ông Nguyễn Văn Thắng luôn sẵn sàng chia sẻ, chung tay giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Thắng tâm sự: Tôi làm là vì lợi ích chung, mục đích cuối cùng là góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Dù xuất thân trong gia đình có địa vị xã hội, nhưng tuổi thơ của ông cũng vô cùng gian khổ như bạn bè cùng trang lứa. Ông luôn bị ám ảnh bởi hình dáng người mẹ gầy gò, lam lũ đội chiếc nón lá đi cày giữa buổi trưa, luôn bị ám ảnh bởi những năm tháng rời quân ngũ trở về xóm Trại với gia tài vỏn vẹn 2 bộ quần áo… Những ám ảnh đó luôn thôi thúc ông dấn thân, lao vào thương trường, tạo lập nên sản nghiệp hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng rồi những ám ảnh ấy vẫn chưa nguôi khi xung quanh ông vẫn còn quá nhiều mảnh đời khốn khó. Bởi thế ông dốc lòng sẻ chia, với suy nghĩ “cho đi là còn lại”…


Mỗi năm, các doanh nghiệp của ông đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Mỗi năm, ông cũng bỏ tiền túi hàng tỷ đồng đóng góp vào các quỹ từ thiện nhân đạo ở địa phương.


Từ năm 1990, nghe tin Thành phố Thái Nguyên xây dựng đài tưởng niệm các liệt sỹ thanh niên xung phong ở Gia Sàng, ông đã chủ động xin được đóng góp tiền của. Sau này ông cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như xây gần 100 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, bỏ tiền túi ra làm trường học, công đức xây dựng đền, chùa trong và ngoài tỉnh. Khu di tích nhà tưởng niệm Bác Hồ ở ATK Định Hoá trang nghiêm như bây giờ cũng có phần đóng góp không nhỏ của ông. Ngoài ra, ông còn là một trong những doanh nhân hưởng ứng nhiệt tình phong trào làm đường giao thông, trường học giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.


Ông Phạm Duy Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đại Từ đã không dấu vẻ cảm kích khi nói về những đóng góp, hỗ trợ của Công ty An Khánh với địa phương. Chưa cần vận động, doanh nghiệp đã chủ động tài trợ xây trường học, làm đường, hỗ trợ kinh phí cho lễ hội Festival chè… Nhờ sự ủng hộ này đã giúp huyện có thêm nguồn vốn đầu tư đường giao thông, trường học, trạm y tế và làm đường bê tông lên các vùng chè.


Tại xã An Khánh, nơi đại bản doanh của Nhà máy nhiệt điện, đường xá được đầu tư khang trang, ô tô vào tận ngõ xóm. Các công trình trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng sạch đẹp. Xung quanh nhà máy, những ngôi nhà kiên cố, hàng quán mọc lên ngày một sầm uất… Điều đó chỉ có được khi dự án Nhà máy nhiệt điện được đầu tư cộng với tấm lòng của một doanh nhân luôn hướng về nông thôn.

Doanh nhân Nguyễn Văn Thắng đã được tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động hạng Ba, 2 lần chiến sỹ thi đua tỉnh Thái Nguyên và suy tôn Chiến sỹ thi đua Toàn quốc. Những phần thưởng cao quý là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp với những đóng góp của ông cho xã hội…
Trọng Đạt