Phụ gia thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên thường không gây độc hại. Nhưng với phụ gia và chất bảo quản có nguồn gốc hoá học, khi đi vào cơ thể con người có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Phụ gia thực phẩm là những chất có hay không có giá trị dinh dưỡng, bản thân nó không được tiêu thụ thông thường như một thực phẩm.
Việc bổ sung có chủ ý phụ gia vào thực phẩm để giải quyết mục đích công nghệ trong sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm nhằm cải thiện kết cấu hoặc đặc tính kỹ thuật của thực phẩm đó.
Những chất phụ gia có nguồn gốc thiên nhiên thường an toàn, không gây độc hại cho con người. Ví dụ: thạch aga, dextrin, gelatin, hay các sắc tố thực vật như diệp lục tố.
Nhưng với các phụ gia tổng hợp hóa học do độ tinh khiết không đảm bảo, có nhiều tạp chất độc hoặc tuy có độ tinh khiết cao nhưng khi sử dụng ở liều cao và thường xuyên có thể gây những biểu hiện bệnh lý làm thay đổi sự trao đổi chất trong cơ thể, thậm chí có khi gây ung thư, gây rối loạn gene di truyền phải được quy định nghiêm ngặt về liều lượng sử dụng hoặc cấm sử dụng.
Nitrit và nitrat: Chất này hay được sử dụng trong bảo quản thịt nguội, thịt xông khói. Nó có tác dụng giữ cho thịt có màu đỏ, sát khuẩn thịt và cá. Một nguồn khác là do thực phẩm còn tồn dư quá nhiều nitrat do bón nhiều phân đạm...
Bản thân nitrat thì không gây hại nhưng lại dễ biến thành nitrit. Nghiên cứu gần đây cho thấy, nitrit kết hợp với các amin tạo ra nitrosamine là chất gây ung thư thực nghiệm. Khi vào cơ thể, nitrat chuyển nitrit bởi vi khuẩn đường ruột.
Nitrit chuyển hemoglobin thành methemoglobin, do đó không vận chuyển được ôxy cho tế bào gây nên các triệu chứng ngộ độc như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy...
Bản thân các loại thực phẩm ướp muối hay ngâm muối như cá muối, đặc biệt là dưa muối bị khú có hàm lượng nitrosamin cao. Các nước thuộc khu vực Đông Nam Á thường dùng loại thực phẩm này có liên quan đến sinh bệnh ung thư ngày càng tăng.
Hàn the: Được sử dụng để sát khuẩn trong chế biến và bảo quản thực phẩm, nó còn có thể duy trì màu sắc tươi nguyên thủy của thịt, cá do nó có khả năng làm giảm tốc độ khử ôxy của các sắc tố myoglobin trong các sợi cơ của thịt nạc.
Đặc biệt, nó còn làm cứng các mạch peptid nên khả năng phân hủy protein thành các axit amin chậm đi cũng như làm cứng các mạch amylose làm cho thực phẩm dẻo, dai và cứng.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hàn the có khả năng tích tụ trong cơ thể gây tổn thương và thoái hóa cơ quan sinh dục, có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, gan, tim...
Mặt khác, nó còn cản trở quá trình tiêu hóa hấp thu dẫn đến khó tiêu, chán ăn. Để đề phòng ngộ độc hàn the, chúng ta đã cấm sử dụng nó trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
Măng tươi (ảnh minh họa).
Các loại thuốc: Thuốc dùng để điều trị bệnh, các thuốc đều có những tác dụng không mong muốn nên đều có chỉ định liều lượng phù hợp. Hiện nay, việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi là salbutamol đã gây nguy hại vô cùng đến sức khỏe con người.
Salbutamol được sử dụng trong y tế chủ yếu trong chuyên khoa hô hấp để điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản, điều trị tắc nghẽn đường hô hấp...
Nhưng hiện nay nhiều người chăn nuôi sử dụng salbutamol trộn vào thức ăn chăn nuôi lợn, khi chất này hấp thu vào cơ thể động vật sẽ điều tiết quá trình sinh trưởng, thúc đẩy hình thành cơ bắp, phân giải mỡ nhanh tạo nhiều nạc dễ bán, nhờ đó tăng lợi nhuận.
Phẩm màu sử dụng trong công nghiệp thực phẩm:
Phần lớn phẩm màu sử dụng trong công nghiệp thực phẩm là các chất hóa học tổng hợp, nó thường không gây ra ngộ độc cấp tính mà gây độc do tích lũy từ các liều rất nhỏ như màu đỏ trong mứt hoa quả đóng hộp, màu vàng chanh trong thực phẩm lỏng, mứt cam, dưa chuột muối...
Khi đã ngộ độc thì rất khó có khả năng cứu chữa.
Ví dụ: chất paradimethyl aminobenzen dùng để nhuộm bơ nhân tạo ở các nước châu Âu, nhưng hiện nay các nghiên cứu cho thấy nó có thể gây ra u máu ở liều cố định không phụ thuộc vào thời gian ăn dài hay ngắn (cho chuột ăn một thời gian lại nghỉ nhưng khối u vẫn hình thành).
Hay như phẩm màu nhuộm vàng trong măng tươi và khô. Đó là chất vàng O (auramine O) chỉ dùng để nhuộm vải, giấy, gỗ... cấm dùng trong thực phẩm nhưng một số doanh nghiệp đã sử dụng chất này trộn vào thức ăn cho gia cầm nhằm làm cho màu da gà vàng và chân gà vàng đẹp hơn.
Ngoài ra, một số tiểu thương còn cho vàng O vào măng tươi hay khi muối dưa cải để tạo màu vàng đẹp mắt.