dd/mm/yyyy

Thứ cây 'chinh phục' vùng Đồng Tháp Mười ngay từ buổi đầu khai hoang, phục hóa

Cây khóm (dứa) đã gắn bó với nông dân vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) ngay từ buổi đầu khai hoang, phục hóa.

Cây khóm (dứa) đã gắn bó với nông dân vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) ngay từ buổi đầu khai hoang, phục hóa. Qua 30 năm 'chinh phục' vùng đất mới, cây khóm nơi đây không ngừng mở rộng diện tích bạt ngàn, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vùng đất mới đổi đời, vươn lên trong cuộc sống.

Từng là vùng đất hoang hóa toàn là rừng tràm, cây năng hỗn giao, nay vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang trở thành cánh đồng bạt ngàn với nhiều loại cây trồng cho hiệu quả cao như: khóm, khoai mỡ, lúa, thanh long, chanh, bưởi, mít, sầu riêng... Trong đó, khóm vẫn là cây chủ lực, đã gắn bó “thủy chung” với người dân vùng này từ lúc còn khốn khó.

Anh Bùi Hữu Thiện, nông dân ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước đã có gần 15 năm vào lập nghiệp nơi đây. Từ 3 hecta ban đầu, đến nay, gia đình anh là chủ 20 hecta khóm ở các xã Phú Mỹ, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh. Mỗi năm, anh thu hoạch được hơn 500 tấn khóm. Anh Thiện cho biết, khóm là cây thích hợp với vùng đất nhiễm phèn chua, dễ trồng, dễ chăm sóc và có nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, giá khóm từ 9.000 đồng đến 10.000 đồng/kg nên nhà nông rất phấn khởi.

Thứ cây 'chinh phục' vùng Đồng Tháp Mười ngay từ buổi đầu khai hoang, phục hóa - Ảnh 1.

Cánh đồng khóm bạt ngàn tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang

“Nếu so với các cây trồng khác, tôi thấy cây khóm vững hơn, giá thị trường tương đối ổn định, đều hơn. Cây khóm rất dễ trồng khi có công việc, bỏ 1 tuần, 10 bữa không đến thăm cũng không sao. Nói chung dễ trồng, đầu ra ổn định, rủi ro thấp và bán tiêu thụ đi được nhiều nơi. Cây khóm này trồng rất thoải mái nên tôi quyết tâm trồng cây khóm”, anh Thiện chia sẻ.

Lúc đầu khi mới di dân vào khai hoang, chỉ có vài nghìn hecta, nay toàn huyện Tân Phước đã nhân rộng trên 17.000 hecta cây khóm thương phẩm, đứng hàng nhất nhì so với phạm vi cả nước. So với các loại cây trồng khác thì cây khóm rất thích nghi với thổ nhưỡng nơi đây nhất là vùng đất còn nhiễm phèn chua và thời gian qua không bị thiệt hại do hạn mặn.

Được sự hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng về chăm sóc, kết hợp tuyển chọn con giống năng suất, chất lượng cao của các ngành chuyên môn tỉnh, huyện nên sản lượng và hiệu quả kinh tế của cây khóm ở địa phương này ngày càng tăng lên. Đối với ruộng khóm hơn 3 năm tuổi cho năng suất trên 30 tấn/hecta, với mức giá trên 6.000 đồng/kg, người trồng đã có lãi. Hơn nữa, đa số diện tích khóm trồng trong các khu ô đê bao, bảo vệ an toàn trong mùa mưa lũ. Toàn huyện đến nay đã có hơn 138 ô đê bao, với chiều dài trên 719 km, bảo vệ hơn 15.240 hecta khóm và gần 3.000 hecta cây ăn trái và cây trồng khác. Tại các ô đê bao, có lắp đặt 159 trạm bơm với trên 300 máy bơm điện để vận hành bơm tháo đảm bảo không để cây khóm bị ngập úng khi bị mưa và triều cường. Nhờ vậy mà mô hình trồng khóm thương phẩm nơi đây rất “chắc ăn”.

Mỗi năm, huyện Tân Phước cung ứng cho thị trường xa gần trên 260.000 tấn khóm. Gần đây, đầu ra trái khóm có thuận lợi hơn trước, khi hạ tầng giao thông vùng Đồng Tháp Mười được quan tâm, đầu tư, việc vận chuyển, mua bán khóm được dễ dàng. Tích lũy được vốn, nông dân đầu tư mua sắm phương tiện cơ giới phục vụ cho sản xuất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Ngoài việc bán trái khóm tươi, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn chế biến ra kẹo, mức khóm, nước khóm phục vụ giải khát rất có giá trị.

“Cây khóm là cây chủ lực của huyện và làm nguồn nguyên liệu của tỉnh. Cây khóm thời gian qua rất hiệu quả, giá khóm trung bình từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, một hecta thu khoảng 20 tấn cho thu nhập từ 160-200 triệu đồng/hecta. Diện tích của huyện giữ vững trên 15.000 hecta, 100% diện tích nằm trong đê bao hết”, ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tân Phước cho biết.

Đến Tân Phước hôm nay cánh đồng khóm bạt ngàn, mút tầm mắt, nhiều nhất là các xã Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Mỹ Phước. Từ mô hình trồng khóm chuyên canh, nhiều nông dân đã trở nên khá, giàu lên và là chủ trang trại nhiều ha đất khóm. Quanh năm, cánh đồng khóm ở huyện Tân Phước luôn có thu hoạch, trái khóm chín đỏ, ngọt lịm, thơm lừng mang nét đặc trưng của vùng đất mới.

Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước khẳng định, cây khóm là một trong 2 cây chủ lực và bền vững đã gắn bó với người dân từ lúc mới khai hoang phục hóa. Dù bao thăng trầm của thị trường nhưng cây khóm vẫn có hiệu quả.

“Sau 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười đối với Tân Phước có 2 cây trồng chủ lực là cây khóm và cây lúa. Hiện nay, chúng tôi có vùng chuyên canh khóm, đến bây giờ cây khóm chiếm sản lượng lớn. Cây khóm năm nay giá rất cao bà con có lãi rất nhiều, giá khóm nằm từ 6.000 đồng/kg đến 10.500 đồng/kg. Bà con chỉ mơ ước giá khóm trên 5.000 đồng nhưng năm nay lại trúng giá, bà con rất phấn khởi”, ông Trần Hoàng Phong thông tin.

Qua gần 30 năm khai phá, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang, qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng cây khóm nơi đây vẫn xanh tươi, trĩu quả. Cây khóm đã thủy chung, gắn bó và cho những quả ngọt ngào bù đắp lại công sức lao động, tinh thần cần cù, chịu khó của người dân trong quá trình chinh phục vùng đất khó, tạo nên một miền quê ngày càng đổi mới, phồn vinh, thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm xưa.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL