Anh Thắng giới thiệu khu ấp nở rắn giống
"Sống chung" với trên 1.000 con rắn
Không ít người sửng sốt với sở thích và tài… nuôi rắn của anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Lương Câu (xã Tân Viên, huyện An Lão, Hải Phòng). Biết bắt rắn từ bé, nhưng để trở thành “phù thủy nuôi rắn”, anh phải trải qua nhiều năm gian khổ, nếm đủ thất bại cay đắng mới đến được thành công.
Lấy hết can đảm, chúng tôi đi theo anh Thắng vào khu trang trại rộng gần 2 mẫu của anh trên cánh đồng thôn Lương Câu. Những dãy hàng lang tối tăm, lành lạnh và sâu hun hút chạy qua những ô chuồng kín mít xây bằng gạch có những ô cửa lưới đóng chặt. Khách thăm ai nấy đều thấy rờn rợn khi biết trong những khoảng tối kia là hang ổ của hàng nghìn con rắn lớn nhỏ đang sinh sống, trong đó có nhưng con hổ mang dài đến… 2,5m.
Chủ nhân vội trấn an: “Không sao đâu, chuồng trại chặt chẽ lắm, hơn nữa, rắn… sợ người nên thấy có hơi người là chúng lủi sâu trong hang. Khi có người đem thức ăn vào chuồng cũng vậy, chúng trốn mất cho đến khi người ra hẳn, đóng cửa cài then, chuồng yên tĩnh trở lại, chúng mới bò ra ăn”.
Mỗi ô này là nhà riêng của một con rắn ráo trâu trong độ tuổi sinh sản
Khu nuôi rắn được chủ nhân chia thành 3 dãy chuồng. Dãy ngoài cùng là khu vực ấp nở và nuôi rắn con. Tiếp theo là dãy nuôi rắn hổ mang thịt, gồm 20 ô lớn, mỗi ô là nhà ở của 50 chú hổ mang. Cạnh đó, một dãy có 250 ô nhỏ bằng bê tông, cứ 6 ô một xếp chồng lên nhau, trông như… dãy tủ gửi đồ. Trong mỗi ô này có một con rắn ráo trâu trong độ tuổi sinh sản.
Cơ ngơi này mỗi năm cung cấp cho thị trường 500 - 1.000 con rắn thịt (trung bình 1kg/con), 2.000 - 3.000 con rắn giống. Để có thành quả ấy, chủ nhân phải trả không ít “học phí”.
Anh kể: “Hồi nhỏ, tôi cùng trẻ con trong xóm hay đi bắt những loại rắn không độc, đem bán kiếm ít tiền mua sách vở. Tốt nghiệp trường trung cấp xây dựng, tôi đi làm nhiều nơi thấy không hiệu quả lắm và vẫn luôn ấp ủ ý định về quê lập nghiệp với nghề nuôi rắn. Sau ít năm bươn chải bên ngoài, tôi về quê làm trang trại. Mua và thuê thêm được 2 mẫu ruộng, tôi bắt đầu nuôi rắn từ năm 2007”.
Sau đó là 5 năm thất bại liên tiếp với ít nhất 1,5 tỷ đồng vốn liếng tiêu tan. Mới đầu, anh Thắng mua gom rắn của những người bắt được rắn trong tự nhiên, nuôi 2 - 4 tháng, gặp lúc được giá thì bán. Nếu được thì lãi gấp đôi, nhưng rủi ro cao vì rắn dễ bị chết. Những con rắn đang sống trong tự nhiên, bị người bắt tác động bằng nhiều cách, rồi bị nhốt trong môi trường chật hẹp, chúng thường không chịu ăn và chết dần. Không chỉ nuôi rắn, anh nuôi cả ba ba, ếch cũng hỏng do không có kinh nghiệm.
Xứng danh "phù thủy nuôi rắn"
Anh lại đi làm nghề xây dựng để trả nợ và dành dụm tiền vốn. Chăm chỉ làm lụng, anh vẫn cố gắng dành thời gian để học hỏi nghề nuôi rắn. Không chỉ tìm hiểu trên mạng internet, báo, đài… anh còn cất công đi tham quan các mô hình nuôi rắn trong Nam, ngoài Bắc “xem người ta làm như thế nào”.
Khi đã có chút lưng vốn cùng kinh nghiệm học được, năm 2015, anh Thắng quyết định nuôi rắn quy mô lớn, tập trung vào rắn hổ mang và ráo trâu. Mới đầu, anh nhập giống từ Ninh Bình, rồi tự mày mò nghiên cứu, thử nghiệm cho rắn đẻ thành công. Đến nay, không những anh chủ động được giống rắn cho trang trại mà còn cung cấp trứng và rắn con cho thị trường.
Những quả trứng rắn giá 50-90 nghìn đồng/quả
Chủ trang trại cho biết, chọn rắn bố mẹ đẹp, khỏe mạnh, đạt 1,5kg/con trở lên để cho chúng giao phối. Hổ mang chỉ “giao hoan” có mùa, vào tháng 3 -4, tháng 5 thì đẻ. Ráo trâu đẻ quanh năm. Anh thả 20 - 30 con theo tỷ lệ 1 đực 2 cái vào một chuồng cho đến khi thấy bụng những con cái to ra thì bắt từng con cái ra “ở riêng” một ô, chờ đẻ. Chỉ mang thai hơn 20 ngày là chúng đẻ, mỗi lứa 15 - 20 quả trứng, mỗi năm một con cái đẻ một lứa.
Do chăm sóc con giống từ lúc còn trong trứng, thuần hóa rắn từ bé nên anh Thắng nuôi rắn rất thành công, tỷ lệ sống gần 100%. Anh chăm sóc trang trại hằng ngày và không cần thuê thêm người làm vì nuôi rắn rất nhàn. 5 - 6 ngày chúng mới ăn một bữa, thức ăn là cóc, ếch nhái hoặc gà công nghiệp xay nhỏ. Rắn ít bị bệnh tật, chỉ đôi khi mắc tiêu chảy hoặc bệnh phổi. Mỗi bữa, chủ nuôi trộn thuốc phòng bệnh vào thức ăn cho chúng là có thể hoàn toàn yên tâm về sức khỏe đàn vật nuôi.
Rắn 1,5 tuổi có thể xuất bán, mỗi con nặng trung bình 1kg. Hiện nhu cầu thịt rắn trong nước cao nhưng thường nhỏ lẻ, không có đầu mối thu mua số lượng lớn nên anh Thắng chọn bán buôn cho bạn hàng Trung Quốc. Vào cuối năm hoặc sau Tết Nguyên đán, anh đánh xe rắn lên tận cửa khẩu. So với nhiều năm trước, năm nay giá rắn cao, tới 700 nghìn đồng/kg.
Bên cạnh rắn là sản phẩm chủ lực, trang trại của anh Thắng còn cung cấp chạch giống. Chạch là loài khó sản xuất giống nhưng anh “thợ xây làm trái ngành” này có tài bắt chạch đẻ không kém tài nuôi rắn.
Anh Thắng cho sinh sản nhân tạo chạch thành công
“Sau nhiều tìm tòi, thử nghiệm, tôi cho chạch đẻ nhân tạo thành công, cứ 100kg cá bố mẹ cho 1 triệu con chạch bột. Mỗi năm, tôi sản xuất được 5 - 7 triệu con cá chạch giống. Hiện, khách hàng cần nhiều mà tôi không có đủ bán”, anh Thắng cho hay.
Hằng năm, tài nuôi rắn và chạch mang lại cho anh Thắng ít nhất 300 triệu đồng lợi nhuận. Nói về con đường khởi nghiệp gian nan cuối cùng đã cho trái ngọt, anh đúc kết: “Muốn thành công, trước hết phải có đam mê, thứ nữa là nguồn vốn. Bên cạnh đó, không ngừng học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm, không ai có thể dạy mình hết đâu!”.