Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mới đây có báo cáo về tình hình và công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; nhập khẩu lợn và thịt lợn.
Theo báo cáo, trong 7 tháng đầu năm, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với lợn giống, có 27 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng 292.590 con. Từ đầu năm đến hết ngày 1/8, đã có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 16.537 con lợn giống các loại, chủ yếu từ Mỹ, Canada, Thái Lan và Đài Loan.
Đối với lợn thịt, từ 12/6 đến 1/8, đã có 36 lượt doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký kiểm dịch nhập khẩu hơn 4,7 triệu con lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam. Trong đó, có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 75.334 con lợn thịt vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, có hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y cho biết từ đầu năm đến hết ngày 2/8, cả nước phát sinh 914 ổ dịch tại 235 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 39.000 con, tổng trọng lượng gần 2.000 tấn.
Hiện nay, cả nước còn 178 xã thuộc 60 huyện của 17 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 6.633 con (trung bình mỗi xã có 37 con lợn bệnh phải tiêu hủy).
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT cho rằng Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục tiếp tục thành lập đoàn công tác kỹ thuật đến các địa phương để đôn đốc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Các tỉnh, thành phồ trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ NN&PTNT; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Đối với các địa phương có dịch tái phát, thành lập ngay các đoàn công tác do lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở làm trưởng đoàn. Đồng thời, cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ dịch tả lợn châu Phi để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tái phát, lây lan diện rộng.