dd/mm/yyyy

Thăm vành đai xanh trên vòng cung tuyến lửa

Địa danh Lộ Vòng Cung đã đi vào lịch sử của Cần Thơ, của Tây Nam bộ, của ĐBSCL và cả nước như một địa danh huyền thoại.
Du lịch miệt vườn ở huyện Phong Điền (Cần Thơ) thu hút nhiều du khách Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Du lịch miệt vườn ở huyện Phong Điền (Cần Thơ) thu hút nhiều du khách Ảnh: LÊ PHƯƠNG

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, tuyến Lộ Vòng Cung được ví như một “vành đai lửa”, là nơi đối đầu ác liệt của quân, dân ta với địch; đất đai vườn tược bị bom cày đạn xới hoang tàn, nhất là sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Từ sau giải phóng, bằng nỗ lực và quyết tâm không ngừng, tuyến lửa năm xưa giờ đã là vành đai xanh của TP Cần Thơ

Một thời hào hùng

Lộ Vòng Cung dài khoảng 30km, đi qua các phường Phước Thới, Trường Lạc (quận Ô Môn), xã Tân Thới, thị trấn Phong Điền, xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) và phường An Bình (quận Ninh Kiều) hiện nay, có vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ của quân ta đánh vào TP Cần Thơ và vùng IV chiến thuật của địch.

Đây là địa danh quân sự mà hầu hết các cơ quan Khu ủy khu 9, các đơn vị chủ lực miền, chủ lực Quân khu 9 và các cơ quan lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy và lực lượng vũ trang Cần Thơ đứng chân; là bàn đạp, cánh cửa mở cho các lực lượng ta đánh vào trung tâm nội ô Cần Thơ. Quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng xác định, đây là “cánh cửa thép”, vành đai bảo vệ sân bay Trà Nóc, phi trường 31, cùng Bộ chỉ huy vùng IV chiến thuật, Quân đoàn IV, Tiểu khu Phong Dinh… Vì vậy, trên tuyến Lộ Vòng Cung, Mỹ - ngụy đã lập hàng trăm đồn, bót và nhiều chi khu, yếu khu hòng ngăn chặn lực lượng quân giải phóng tiến vào.

Trên tuyến lộ này, địch đã đóng trên 100 đồn bót và sử dụng không quân, pháo binh, kể cả máy bay ném bom B57, ngày đêm đánh phá ác liệt. Ngoài ra, địch còn rải chất độc hóa học làm trơ trụi cây lá để tiến hành thực hiện “vùng lộ trắng”. Nhận rõ vị trí trọng yếu của tuyến Lộ Vòng Cung, Quân khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ (nay là Thành ủy Cần Thơ) cũng chọn nơi đây để tập kết lực lượng, làm bàn đạp tiến công vào TP Cần Thơ và các mục tiêu quân sự trọng yếu khác của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Do vậy, địa bàn Cần Thơ nói chung, Lộ Vòng Cung nói riêng luôn nóng bỏng, ác liệt suốt 2 cuộc kháng chiến.

Trong 3 đợt Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, tại Lộ Vòng Cung, quân và dân ta đã giáng đòn sấm sét, bất ngờ vào đầu não của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở vùng IV chiến thuật, diệt trên 2.000 quân địch, làm tiêu hao và tiêu diệt trên 10 tiểu đoàn, làm bị thương trên 1.140 quân địch, phá hủy 180 máy bay, bắn cháy 18 xe M113 và 100 xe quân sự khác, bắn chìm 12 tàu, đánh sập 4 cầu sắt, làm đứt nhiều đoạn giao thông quan trọng…

Địa danh Lộ Vòng Cung đã đi vào lịch sử của Cần Thơ, của Tây Nam bộ, của ĐBSCL và cả nước như một địa danh huyền thoại. Lộ Vòng Cung là biểu tượng của ác liệt, gian khổ, biểu tượng của ý chí kiên cường và lòng dũng cảm; là hình ảnh cao đẹp của tinh thần “tất cả cho trọng điểm, cho phía trước, cho chiến thắng” của Đảng bộ, quân và dân Tây Nam bộ, gắn liền với một thời chiến đấu hào hùng của Quân khu 9, của Đảng bộ, quân và dân Cần Thơ thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Trở thành “vành đai xanh”

Hơn 42 năm từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trên tuyến Lộ Vòng Cung đã vượt lên khó khăn, đoàn kết, ra sức xây dựng vùng đất bom cày đạn xới hoang tàn, đổ nát trở thành một “vành đai xanh”, với hàng ngàn hécta vườn cây trái sai oằn, hàng ngàn hécta rau màu xanh ngát và những cánh đồng lúa trĩu hạt.

Sau khi Cần Thơ trở thành TP trực thuộc Trung ương, huyện Phong Điền được quy hoạch trở thành khu đô thị sinh thái với cơ cấu kinh tế: Thương mại, dịch vụ, du lịch - nông nghiệp sinh thái chất lượng cao - công nghiệp tiểu thủ công nghiệp. Ngày nay, Lộ Vòng Cung đã trở thành vành đai du lịch sinh thái nổi tiếng của TP Cần Thơ với vườn cây ăn trái như dâu Hạ Châu, vú sữa, cam mật, bưởi, quít…

Hai bên lộ, nhà cửa được sửa sang, nâng cấp khang trang, trong đó nét rất riêng của người dân tuyến Lộ Vòng Cung là nhà nào cũng trồng hoa trước nhà và phía sau là vườn cây trái sum suê. Hiện nay, trên tuyến Lộ Vòng Cung có hơn 20 điểm du lịch sinh thái lớn, nhỏ, trong đó Làng du lịch Mỹ Khánh rộng hơn 10ha được nhiều nơi biết đến như là điểm du lịch lý tưởng không chỉ của TP Cần Thơ mà của vùng ĐBSCL. Chợ nổi Cái Răng, Phong Điền cặp theo tuyến Lộ Vòng Cung ngày ngày nhộn nhịp kẻ bán, người mua.

Tham quan các mô hình kinh tế dọc tuyến Lộ Vòng Cung mới thấy Đảng bộ và nhân dân các địa phương trên tuyến Lộ Vòng Cung không chỉ anh dũng, quật cường trong 2 cuộc kháng chiến, mà còn giỏi giang trong phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương trong thời bình. Đến nay, tất cả xã trên tuyến Lộ Vòng Cung đều đã đạt chuẩn nông thôn mới; riêng thị trấn Phong Điền đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng thị trấn thành đô thị loại IV, phường Trường Lạc đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Sử cho biết: Cùng với việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Người dân tự nguyện đóng góp gần 305 tỷ đồng (chiếm 14,7% tổng số vốn thực hiện chương trình), hơn 77.000 ngày công lao động. Đây là nguồn lực lớn góp phần đưa Phong Điền trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của TP Cần Thơ.

Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2017 - 2020, huyện Phong Điền phấn đấu toàn bộ 6 xã trên địa bàn tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, thậm chí nâng tiêu chuẩn nông thôn mới cao hơn, bền vững hơn (theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020).

Dọc tuyến Lộ Vòng Cung hiện nay có các địa điểm như: Di tích lịch sử cấp quốc gia Địa điểm chuyển quân, trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung trong kháng chiến chống Mỹ (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), Di tích Căn cứ Ban chỉ huy Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy), Di tích Chiến thắng Ông Hào (xã Trường Long, huyện Phong Điền), Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (Phong Điền), Di tích văn hóa cổ Óc Eo (Phong Điền), Di tích lịch sử Giàn Gừa (xã Nhơn Nghĩa, Phong Điền), Chợ nổi Cái Răng, Làng du lịch Mỹ Khánh… đều có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, mang lại bộ mặt mới cho tuyến Lộ Vòng Cung - vành đai lửa năm xưa.

Hàm Luông