dd/mm/yyyy

Thả rông lợn rừng trong thung lũng, tốn ít thức ăn, bán đắt hàng

Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, gia đình anh Cà Văn Tiềm, dân tộc Thái, bản Na Ngua, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu (Sơn La) đã phất lên thành hộ giàu nhờ bỏ trồng ngô, sẵn trên nương chuyển sang thả rông đàn lợn rừng trong thung lũng núi đá vôi.

 

Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, năm 2008 gia đình anh Cà Văn Tiềm cùng nhiều hộ dân khác di dân từ xã Chiềng Lao, huyện Mường La về bản Na Ngua, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu theo Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Tưởng chừng về nơi ở mới sẽ thoát khỏi cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, nhưng nhà anh Tiềm vẫn không khá lên được. Hàng ngày, hai vợ chồng anh làm việc cật lực “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng đói nghèo vẫn đeo bám dai dẳng năm này qua năm khác.

 tha rong lon rung trong thung lung, ton it thuc an, ban dat hang hinh anh 1

Những con lợn rừng đang chuẩn bị được anh Cà Văn Tiềm xuất bán ra thị trường 

Anh Tiềm nghĩ bụng, mình còn trẻ khỏe, đất đai rộng mênh mông như này mà nghèo mãi thì cũng xấu hổ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ, anh Cà Văn Tiềm, kể lại: “Năm 2012, mình có tham gia công tác bên Đoàn thanh niên. Trong một lần đi tập huấn, tình cờ đọc được một bài báo hướng dẫn cách làm giàu ở nông thôn. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình nuôi lợn rừng. Không chút đắn đo, nghĩ là làm, tôi nói với vợ: “Mình à! Anh nghĩ ra cách “chế ngự” căn bệnh nghèo của nhà ta rồi. Làm nương ngô, nương lúa vất vả lắm mà mùa được mùa mất! Anh tính 2 vợ chồng mình lên núi đá nuôi lợn rừng nhé”. Tin tưởng tôi nên vợ gật đầu đồng ý...”.

 tha rong lon rung trong thung lung, ton it thuc an, ban dat hang hinh anh 2

Theo anh Cà Văn Tiềm, nếu người lạ đến gần đàn lợn này khá hung dữ hay tấn công người lạ.

Ban đầu vợ chồng anh Tiềm mua 3 con lợn rừng nái và 2 con đực từ người bà con bản Na Ngua về thả trên thung lũng rộng gần 2ha. Ba bên thung lũng là núi đá vôi cao sừng sững. Bên còn lại anh Tiềm làm nhà và hàng rào.

Được 6 tháng sau, niềm vui như được nhân đôi khi cả 3 con nái đều trở dạ. Mỗi con đều đẻ liền cho anh Tiềm 6 – 7 con lợn rừng loắt choắt. Chẳng mấy chốc lũ lơn con ton ton theo lợn mẹ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, "khám phá" cây cỏ, giun dế của cái thung lũng rộng hơn 2ha của cặp vợ chồng trẻ.

 tha rong lon rung trong thung lung, ton it thuc an, ban dat hang hinh anh 3

Anh Cà Văn Tiềm cho đàn lợn rừng ăn thêm thức ăn tự chế biến và tự trồng trọt được.

Thấy vẫn chưa thỏa mãn, cuối năm 2013, anh Tiềm vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH mua thêm 2 con lợn rừng nái và 1 con lợn rừng đực ở huyện Mường La về thả cùng. “Lợn rừng đẻ rất mắn, mỗi năm 2 lứa. Thức ăn của chúng rất đơn giản như cây chuối, các loại rau, cây lá trên rừng. Thời gian lợn rừng mẹ đang cho con bú cho ăn thêm cám ngô, gạo… Cứ như vậy, mỗi năm số lượng lợn rừng nhà tôi lại tăng lên. Sau 3 năm vay vốn mở rộng mô hình nuôi lợn rừng, tôi đã trả được cả gốc lẫn lãi mà vẫn còn dư vài chục triệu đồng gửi tiết kiệm cho vợ con tiêu pha...” – anh Tiềm tự tin, khoe.

 tha rong lon rung trong thung lung, ton it thuc an, ban dat hang hinh anh 4

Anh Tiềm cho biết thêm, lợn rừng có sức đề kháng rất tốt nhưng chúng lớn khá chậm. Một năm đạt trọng lượng từ 30 – 40kg tùy từng con. Lợn thả rông này hầu như không bao giờ bị bệnh. Nếu có cũng chỉ là bệnh tiêu chảy, chỉ cần bổ sung lá ổi, nhọ nồi.. vào bữa ăn hàng ngày lợn sẽ mau khỏi bệnh.

Hiện nay, anh Tiềm đang nuôi hơn 20 con lợn rừng. Thị trường chủ yếu là trên địa bàn huyện Yên Châu và một số huyện lân cận khác. Khách gọi điện rồi đến tận trang trại thu mua. Với giá bán từ 130 – 150.000/kg. Không thu được cả trăm triệu đồng nhưng nhờ nuôi lợn rừng mà gia đình anh Tiềm dư dả chi tiêu và có của ăn của để.

Bật mí với chúng tôi về dự định sắp tới, anh Tiềm cho biết, nuôi lợn rừng rất nhàn do không phải đầu tư chuồng trại, cám thức ăn nên thời gian tới anh sẽ tiếp tục nhân đàn lên gấp đôi. “Là người làm ăn lâu dài, tôi muốn cung cấp thực phẩm thịt lợn sạch, thơm ngon cho mọi người để còn giữ uy tín với khách hàng” – anh Tiềm chia sẻ thêm.

 

Tuệ Linh