Nghề thoát nghèo
Tân Thanh có một bộ phận người dân Hà Nội vào làm kinh tế mới. Ngay từ khi đặt chân lên vùng đất này, bà con đã biết trồng dâu nuôi tằm. Số người làm nghề chiếm 90% dân số.
Nghề nuôi tằm theo chân những người dân kinh tế mới vào Tân Thanh gần 40 năm trước. Ban đầu chỉ một số ít người làm, kỹ thuật nuôi tằm lạc hậu, giống dâu cũ nên người ta vẫn bảo “nuôi tằm ăn cơm đứng” chỉ đủ ăn chứ không dư dả gì. Thế nhưng những năm gần đây, kỹ thuật hiện đại cùng với giống dâu mới cho năng suất đã tạo ra bước ngoặt phát triển vượt bậc về thu nhập so với nhiều loại cây trồng khác, do vậy số hộ dân trồng dâu, nuôi tằm nơi đây tăng lên nhanh chóng.
Cụ thể, sau khi đề án phát triển cây dâu tằm của tỉnh Lâm Đồng được ban hành, huyện Lâm Hà cũng đã xây dựng đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà”. Một số địa bàn như Đông Thanh, Nam Ban và Tân Thanh được xác định phát triển cây dâu tằm thành cây thoát nghèo.
Bắt đầu từ năm 2015, cây dâu tằm được đưa vào sản xuất diện rộng trên địa bàn xã Tân Thanh. Ban đầu các hộ dân chỉ phá bỏ vài sào cà phê để trồng dâu. Tuy nhiên, với nhiều cách thức nuôi tằm mới, giống dâu cho năng suất, chất lượng cao, đặc biệt nguồn thu từ kén lớn đã khiến nhiều nông dân ở xã Tân Thanh mạnh dạn hơn trong chuyển đổi cây trồng.
Nhiều năm qua, kể từ khi đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất, kinh tế gia đình chị Phạm Thị Thim (thôn Thanh Bình, xã Tân Thanh, huyện Tân Hà, Lâm Đồng) được nâng lên rõ rệt. Chỉ hơn 1 sào dâu cung cấp đủ nguồn thức ăn nuôi 1 hộp tằm giống, nghề trồng dâu nuôi tằm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Thim với mức lãi 60-70 triệu đồng/năm.
Chị Thim chia sẻ, gia đình chị nuôi tằm từ năm 2004, lúc đầu nuôi bằng nong né tre. Đến năm 2016, gia đình chị chuyển đổi sang nuôi trên nền xi măng. Sau 4 năm nuôi tằm theo phương pháp mới này thấy hiệu quả hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống.
“Nuôi theo cách cũ tốn rất nhiều công, dâu phải hái từng lá, mỗi khi cho tằm ăn phải bê nong lên, bê xuống, phải thay phân hàng ngày. Hơi nóng của phân tằm bốc lên, tằm hay bị bệnh, chất lượng kén không cao, năng suất đạt từ 30 - 35 kg kén/hộp tằm.
Còn nuôi theo phương pháp mới rất khoẻ, dâu cắt cả cành, khi cho ăn chỉ việc vứt cả cành dâu hoặc chăm chỉ thì vặt lá ra rồi ném xuống nền nhà, tằm tự bò lên ăn. Không tốn công bưng bê nong né, không phải thay phân hàng ngày.
Tằm nuôi trên nền xi măng mát mẻ, thoáng khí, không bị hấp hơi nóng tránh được nhiều bệnh. Năng suất nuôi tằm trên nền xi măng đạt từ 50 - 60 kg kén/hộp tằm”- chị Thim cho hay.
Nếu giá kén luôn giữ ổn định thì "sống khoẻ" - là khi giá bán kén 130.000 đồng/kg, có thời điểm bán được giá là 230.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình chị thu lãi khoảng 5-6 triệu đồng.
Vượt "bão" dịch, tằm lại nhả tơ
Tuy nhiên, theo chị Thim, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá kén xuống thấp, người nông dân bị thiệt hại nặng nề.
“Đầu năm, thương lái thu mua với giá 130.000 đồng/kg kén cho các hộ, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ bị ngưng trệ, giá bán xuống còn 82.000 đồng/kg, có thời điểm xuống còn 50.000-60.000 đồng/kg. Đỉnh điểm, đợt dịch Covid-19 bùng phát, không bán được hàng, kén tằm thu mua phải bảo quản trong kho lạnh, để lâu trọng lượng giảm, lại mất thêm chi phí” – chị Thim nói.
Trong vòng một tháng trở lại đây, khi hết giãn cách xã hội, các hoạt động trao đổi buôn bán bắt đầu hoạt động trở lại, thương lái Trung Quốc thu mua trở lại, giá bán kén đã tăng lên 90.000 - 95.000 đồng/kg.
Theo ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch huyện Lâm Hà, diện tích dâu tằm huyện Lâm Hà cao nhất trong tỉnh Lâm Đồng cũng như cả nước. Với diện tích khoảng trên 4.000 ha, Lâm Hà là “thủ phủ” dâu tằm của tỉnh Lâm Đồng.
Trong những năm gần đây, ngành dâu tằm huyện Lâm Hà tăng cao so một số cây trồng, vật nuôi khác, bởi vốn đầu tư ban đầu thấp, vòng quay nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi.
Cũng giống như các ngành nghề khác, đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng bị ảnh hưởng nặng nề, do không thể xuất được nguồn kén sang Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, hoạt động trao đổi buôn bán đã trở lại bình thường mặc dù giá kén có bị giảm hơn so với trước.
Cũng theo ông Chí, ngành dâu tằm tơ Lâm Hà (Lâm Đồng) đang phát triển quy mô hàng đầu của cả nước, góp phần lớn trong xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Cụ thể, đến nay tỷ lệ đói nghèo huyện Lâm Hà chỉ còn 3,8%, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 5,8%