dd/mm/yyyy

Sức sống mới trên miền đất gió Than Uyên

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang mang đến cho miền đất gió Than Uyên (Lai Châu) một sức sống mới, diện mạo mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong huyện ngày càng cải thiện, nâng cao.

Trở lại miền đất gió Than Uyên lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng về diện mạo các vùng quê nơi đây. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn của huyện khang trang hơn với nhiều công trình: Điện, đường, trường, trạm... được đầu tư xây dựng kiên cố. Nhiều tuyến đường nội bản, ngõ bản ở những vùng khó khăn của huyện như: Khoen On, Tà Hừa... đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại và thông thương hàng hóa của người dân.

Sức sống mới ở miền đất gió Than Uyên - Ảnh 1.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Than Uyên hiện còn gần 11%.

Nói như Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên Nguyễn Văn Thăng, thì sự đổi mới đó bắt nguồn từ việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. "Chính chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang đến cho các xã nông thôn miền núi của huyện một sức sống mới. Cả hệ thống chính trị và người dân trong huyện đã vào cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, qua hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Than Uyên đã có những bước chuyển biến tích cực về tam nông. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, nông nghiệp phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện, nâng cao" – ông Thăng nhấn mạnh.

Đến nay, huyện Than Uyên đã có 7 xã cán đích nông thôn mới. Trong 7 xã đó thì xã Mường Kim có bước chuyển mình khá mạnh mẽ nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự cần cù chịu khó của người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại diện mạo mới cho vùng quê nơi đây. Đường nội bản, ngõ bản được đổ bê tông khang trang. Nhiều cánh đồng trong xã đã được người dân sản xuất thêm vụ 3, với màu xanh tươi tốt của ngô ngọt và rau màu các loại.

Sức sống mới ở miền đất gió Than Uyên - Ảnh 2.

Chăn nuôi đại gia súc là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện Than Uyên.

Anh Lò Quyết Thắng – Chủ tịch UBND xã Mường Kim chia sẻ: Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, xã Mường Kim đã cán đích nông thôn mới đúng kế hoạch. Cái được lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Mường Kim đó là người dân đã có những đổi thay tích cực cả về nhận thức và hành động. Không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa, người dân trong xã tích cực hơn trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trổng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa, làm thêm vụ 3. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong xã đến nay đạt 36 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,21%.

Ngay cả xã đặc biệt khó khăn của huyện như Pha Mu, cũng có những bứt phá ngoạn mục sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Người dân trong xã không chỉ tự nguyện hiến đất mà còn tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Không hết, bà con các bản trong xã còn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, chăn nuôi.

Sức sống mới ở miền đất gió Than Uyên - Ảnh 3.

Nhiều trường học ở huyện Than Uyên đã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh.

Anh Hờ A Vừ, bản Huổi Bắc, xã Pha Mu (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) vui vẻ nói: Lúc đầu, chúng tôi cũng không hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới là gì. Chúng tôi cứ nghĩ đó là chương trình của Nhà nước, được Nhà nước đầu tư. Được cán bộ huyện, cán bộ xã tuyên truyền, giải thích, dần dần tôi và người dân trong bản cũng hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiểu được vai trò chủ thể của mình, gia đình tôi cùng với các hộ dân trong bản tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ chương trình này, mà bộ mặt xã, bản có nhiều đổi mới. Người dân chúng tôi được tạo nhiều điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đời sống của người dân trong bản cũng nhờ đó mà được nâng lên.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, những năm qua, huyện Than Uyên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển. Qua đó, trên địa bàn huyện đã và đang hình thành một số vùng kinh tế trọng điểm như: Lúa chất lượng cao, chè, chăn nuôi đại gia súc, du lịch lòng hồ thủy điện, thương mại, dịch vụ. Vùng đất nơi đây còn có thế mạnh để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cũng như chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thủy sản. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tỉnh và sự nỗ lực vượt khó của hệ thống chính trị và người dân trong huyện đến nay Than Uyên cơ bản ổn định dân cư và hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng. Các công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư nâng cấp, làm mới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Sức sống mới ở miền đất gió Than Uyên - Ảnh 4.

Nhiều tuyến đường nội bản ở huyện Than Uyên đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất của người dân.

Ông Lò Văn Hương – Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Để phát huy tiềm năng, huyện tập trung mạnh vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa giống cây trồng mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào canh tác. Huyện chú trọng đầu tư sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Điểm nhấn của huyện là đã và đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị; có 8 sản phẩm nông sản của huyện được tỉnh công nhận đạt từ 3 sao-4 sao trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đến hết năm 2020, huyện Than Uyên có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 xã đạt 10 tiêu chí-14 tiêu chí, bình quân đạt 16,36 tiêu chí/xã. Diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần thực hiện mục tiêu đưa huyện đạt nông thôn mới vào năm 2025.

Thanh Ngân