Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lai Châu gặp phải không ít khó khăn, thách thức khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế và tỷ lệ hộ nghèo cao... là những rào cản, ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, cho biết: Lai Châu bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp. Khi đó, toàn tỉnh có tới 75 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tiêu chí bình quân của toàn tỉnh chỉ đạt 2,88 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm đó cũng mới đạt hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Khó khăn chồng chất khó khăn song tỉnh Lai Châu luôn xác định, thực hiện chương trình xây dựng NTM chính là cơ hội để tỉnh bứt phá trong tam nông. Chính vì xác định như vậy nên tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện bộ tiêu chí NTM, đảm bảo khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương.
Một trong những giải pháp được tỉnh Lai Châu chú trọng thực hiện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở, tích cực nhập cuộc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Các phong trào thi đua: "Xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững", "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp, sản xuất kinh doanh giỏi"... được phát động, thu hút sự tham gia tích cực của người dân các xã, bản từ vùng thấp đến vùng cao.
"Qua công tác tuyên truyền đã khơi dậy tinh thần và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng dân cư. Người dân ngày càng nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, người dân các xã, bản trong tỉnh đã tự nguyện hiến hơn 2,2 triệu m2 đất và đóng góp hơn 1 triệu ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, sân thể thao... Nếu không có sự vào cuộc tích cực từ phía người dân, thì chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lai Châu khó đạt được kết quả đáng khích lệ như ngày hôm nay" – ông Châu nhấn mạnh.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh Lai Châu đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở xã, bản.
Để giúp người dân có nguồn lực đóng góp xây dựng NTM, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hàng loạt các mô hình, dự án khuyến nông được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện, giúp người dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế của từng cơ sở, tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp, tạo ra nhiều vùng sản xuất theo hướng liên kết, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành và phát triển một số vùng sản xuất chuyên canh, chất lượng cao, như: Vùng lúa đặc sản gần 3000ha, vùng chè trên 7000ha và vùng trồng mắc ca với diện tích hơn 4000ha...
Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, chia sẻ: Với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tam nông, tinh Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng NTM. Lai Châu đã huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, trong đó phải kể đến nguồn vốn tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn và nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Ngoài tranh thủ các nguồn lực của Trung ương, tỉnh Lai Châu còn quan tâm huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM. Chúng tôi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải, theo hướng ưu tiên các công trình thiết yếu gắn với đời sống, sản xuất của nhân dân.
Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn miền núi của tỉnh Lai Châu đã có nhiều thay đổi, khang trang và sạch đẹp hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh không ngừng cải thiện, nâng cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh dần đồng bộ và từng bước hiện đại. Bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát huy.