dd/mm/yyyy

Siết chặt an toàn thực phẩm ngày khai ấn Đền Trần

Ngày 14/2, đoàn kiểm tra Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế Nam Định kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trước thời điểm diễn ra khai ấn đền Trần. Dự kiến có hàng vạn người đến lễ hội, công tác an toàn thực phẩm được siết chặt.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra các hộ kinh doanh thực phẩm khu vực xung quanh Đền trần và Đền Bảo Lộc, nơi dự kiến đón hàng vạn người trong ngày lễ hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, kiểm tra bước đầu, test nhanh sản phẩm giò chả không phát hiện hàn the.

Tại hàng kinh doanh thực phẩm chín, quán phở cho thấy cơ bản đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thức ăn sống - chín được để riêng biệt. Đồ ăn chín được bảo quản trong tủ kính tránh bụi, ruồi muỗi.

Tuy nhiên, ông Phong cũng nhấn mạnh phải tiếp tục kiểm tra sát sao, để đảm bảo vào ngày lễ hội, khách thập phương đổ về đông, công tác an toàn thực phẩm cũng phải được đảm bảo như ngày hôm nay khi được kiểm tra.

"Nhất là tính chất việc kinh doanh ăn uống dịp lễ hội mang tính thời vụ nên kỹ năng về an toàn thực phẩm có thể chưa đầy đủ. Cùng đó hệ thống cung cấp nguyên liệu, nước sinh hoạt cũng chưa thành hệ thống. Đó là những yêu tố nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Nếu chỉ một hành vi như kinh doanh ăn uống gần khu vực xả rác, dùng tay không chế biến, bốc đồ ăn chín... là đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm", ông Phong nói.

Vì thế, ông đặc biệt lưu ý việc tuyên truyền cho các hộ kinh doanh thực phẩm để họ hiểu, kinh doanh đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra, các kiến thức, điều kiện về ATTP người kinh doanh đều đã được Chi cục ATTP Nam Định phổ biến.

"Ngoài ra, phải tuyên truyền đến chính người tiêu dùng, lựa chọn hàng quán sạch sẽ, ăn uống văn minh, không xả rác bừa bãi, vệ sinh bàn tay sạch sẽ trước khi ăn uống", ông Phong nói.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đặc biệt lưu ý đến "bàn tay" bởi đôi bàn tay rất dễ nhiễm khuẩn E.coli, nếu không rửa sạch trước khi ăn uống, trước khi chế biến thực phẩm, nguy cơ ngộ thực phẩm là rất cao.

"Vì thế, các hộ kinh doanh cần cần đeo găng tay hoặc kẹp gắp khi chia thức ăn bởi bàn tay là nguồn ô nhiễm lây truyền các bệnh qua đường thực phẩm cho người sử dụng", ông Phong nói.

Theo bác sĩ Lê Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định, cho biết hoạt động mua bán tại lễ hội chủ yếu là hàng hoá đóng gói sẵn nên ít có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính.

Tuy nhiên, để đảm bảo mùa lễ hội an toàn Sở Y tế và Chi Cục ATVSTP Nam Định đã tập trung tuyên truyền các thông điệp đảm bảo ATTP khu vực lễ hội; thành lập các đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Tại các xã, phường đã có các ban chủ đạo liên ngành về VSATTP, phân công các cán bộ trực tiếp giám sát tại các điểm lễ hội. Ngành y tế đã bố trí các điểm cấp cứu tại khu vực lễ hội và thường trực xe vận chuyển cấp cứu hỗ trợ du khách khi cần thiết.

Hồng Hải