Mới đây, một cây atm mỳ tôm trứng đầu tiên đã xuất hiện tại ngõ 478 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) do bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn tại Viện Bỏng Quốc gia cùng một số nhà hảo tâm chung tay góp 90.000 gói mì tôm và 30.000 quả trứng gà phát miễn phí cho những người bệnh và người dân nghèo.
Những ngày này một cây "ATM mì tôm" được triển khai tại đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) trong chương trình “Chung tay đẩy lùi Covid-19”.
Ghi nhận vào chiều ngày 18/4, đông đảo người dân có hoàn cảnh khó khăn tới để nhận những phần quà. Tất cả đều giữ khoảng cách 2m theo đúng quy định giãn cách đảm bảo ngăn ngừa COVID-19.
Để đảm bảo đầy đủ thông tin thì những tình nguyện viên ở đây đã chụp lại chứng minh nhân dân của người đến nhận đề phòng trường hợp tại đây xảy ra lây nhiễm virus trong cộng đồng.
Trước khi vào nhận mì tôm và trứng miễn phí, người dân sẽ được kiểm tra đo thân nhiệt, khử trùng trong buồng khử khuẩn. Các thành viên trong ban tổ chức cũng được trang bị mặt nạ chống giọt bắn, găng tay, khẩu trang đầy đủ để phòng, chống dịch.
Theo chia sẻ của bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn - Viện Bỏng Quốc gia, người sáng lập ra cây 'ATM mì và trứng' đầu tiên tại Hà Nội, trong đợt dịch này sẽ có 90.000 gói mì tôm và 30.000 quả trứng gà được phát mễn phí cho những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Tại các điểm mỗi người dân được nhận 10-30 gói mì tôm, 10 quả trứng gà hoặc nhiều hơn tuỳ vào hoàn cảnh, ai khó khăn nhiều sẽ được giúp đỡ nhiều hơn.
Ông Nguyễn Phương Tình (Cầu Giấy, Hà Nội), nhà đã hết sạch đồ ăn, chạy xe ôm cũng không có khách, ông Tình cho biết: “Là một người lính đã chiến đấu trong kháng chiến, nên những hoàn cảnh này tôi thấu hiểu thêm tình cảm của người Việt Nam mình, một miếng khi đói bằng một gói khi no, cuộc sống không tránh khỏi cơ hàn, tôi mong muốn hoạt động sẽ được nhân rộng lên để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi trong thời điểm này”.
Ngoài các điểm phát cố định tại ngõ 487 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy còn có các điểm phát lưu động mì và trứng tại bãi giữa Sông Hồng, xóm lao động nghèo 76 An Dương, người dân thôn Hạ Lôi, Bệnh viện K, xóm chạy thận Hà Nội....
Nghe thông tin được phát đồ ăn, bà Hoàng Thi Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) tới xếp hàng và xúc động tâm sự: "Tôi đi bán rau, nhặt chai lọ, rửa bát, nấu cơm, giúp việc,… có gì là tôi làm hết miễn là có được kinh tế để nuôi con bị khuyết tật. Trước đã khó, giờ còn khó khăn hơn, trước bán rau ngày còn được 50.000 bây giờ có khi chỉ được 20.000 có ngày còn không bán được nhưng cố gắng gượng sống vì gia đình. Tới đây nhận quà vô cùng phấn khởi, cảm ơn các nhà hảo tâm".
Đức Duy