Có mã QR không lo hàng giả
Trung tâm Doanh nghiệp và Hội nhập (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) vừa cấp 25 bộ mã truy xuất nguồn gốc cho vải Thanh Hà. Theo đó, tài khoản quản trị và mã truy xuất sẽ do 25 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của huyện khai thác sử dụng. Mỗi bộ mã có 2 mã truy xuất cho vải sớm, vải thiều và sử dụng mã QR để thực hiện truy xuất trên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản.
Được biết, vụ vải năm nay, toàn bộ diện tích vải được trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP của huyện Thanh Hà sẽ được dán tem TXNG. Đại diện Trung tâm Doanh nghiệp và Hội nhập, đơn vị chịu trách nhiệm kỹ thuật về dán tem QR cho quả vải Thanh Hà cho biết: "Bằng smartphone có kết nối internet và đã được cài ứng dụng quét mã QR, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của quả vải. Mã QR giúp người tiêu dùng truy được nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ những địa chỉ sản xuất chân chính, tránh bị làm giả, làm nhái. Khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy tìm và xử lý vi phạm".
Dán tem TXNG là yêu cầu cần thiết nếu muốn đưa quả vải Thanh Hà vào hệ thống siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch hoặc xuất khẩu. Đặc biệt, năm nay, quả vải muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Quảng Tây buộc phải dán tem TXNG. Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Hạ Long (Quảng Ninh), đơn vị đang nhập vải sớm Hải Dương đã được dán tem TXNG cho biết: "Tem QR được coi là cam kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng về chất lượng. Hầu hết các quả vải được dán tem đều có xuất xứ từ các vùng được trồng theo quy chuẩn an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP".
Theo ông Ngô Đức Vính, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, vải được dán tem QR không chỉ đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà về lâu dài sẽ giúp quả vải Thanh Hà được tiếp cận nhiều thị trường khó tính. Mỗi mã tem QR được dán trên sản phẩm là cam kết của người trồng đối với quả vải mình sản xuất ra.
Theo khảo sát của Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương, vải sau khi được dán tem TXNG được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao, nhất là người dân ở các thành phố lớn. Giá bán vải được dán tem TXNG cũng cao hơn ít nhất 10% so với vải không được dán tem.
Sau vụ vải này, các cơ quan chức năng của tỉnh dự kiến sẽ nhân rộng dán tem TXNG cho nhiều loại nông sản khác của tỉnh. Đây cũng là giải pháp tốt để khuyến khích sản xuất sạch, đồng thời giúp nâng thương hiệu và tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Hải Dương.
Lần đầu tiên có lễ hội vải
Năm nay, diện tích vải của Thanh Hà vào khoảng 4.000 ha, trong đó có 1.000 ha vải chín sớm. Sản lượng vải sớm ước đạt 15.000-18.000 tấn, vải thiều đạt trên 10.000 tấn. Tất cả diện tích vải trên địa bàn huyện đều áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm vải thiều Thanh Hà hiện đã xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, nhưng thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc. 3 năm nay, huyện cũng kết nối với các đầu mối và tiêu thụ một lượng vải lớn tại TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.
Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên Lễ hội vải thiều được tổ chức tại Thanh Hà, Hải Dương vào ngày 10/6 tới, khi vải thiều bắt đầu chín rộ. Ngoài việc quảng bá, xúc tiến cho quả vải Thanh Hà, hơn 600 khách mời có cơ hội được ăn vải miễn phí. Theo ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, mục đích của lễ hội nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư với sản phẩm vải thiều Thanh Hà; các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Hải Dương.
Đây cũng là dịp để kết nối người nông dân sản xuất, kinh doanh vải thiều với các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp chế biến, thu mua, xuất khẩu, tiêu thụ vải, nông sản; ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản, sản phẩm du lịch giữa các đối tác.
Lễ hội có 60 gian hàng đạt chuẩn của các địa phương trong huyện Thanh Hà. Khách tham dự sẽ được thăm quan cây vải tổ hơn 200 tuổi ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn; thăm các vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vải xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản, Australia và EU; trải nghiệm hái vải tại các vườn vải ở huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh; đi thuyền tham quan các vườn vải ven sông Hương, huyện Thanh Hà...
Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà, cho hay, vải thiều Thanh Hà có điểm đặc trưng là vị ngọt thanh, mát, khi nếm không thấy chát, có hương thơm nhẹ. Vỏ quả khi chín màu đỏ tươi, cùi màu trắng trong, dày, giòn, khi bóc không bị chảy nước hay nước dính tay.