Xây dựng hơn 300 mô hình kinh tế tập thể
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hải Dương cho biết: Trong năm 2018, Hội ND các cấp tỉnh Hải Dương đã tiến hành thu hồi 25,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đến hạn của 1.401 hộ vay; đồng thời, tiếp tục giải ngân cho 1.153 hộ vay với số tiền 31,4 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 11.2018, tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND do các cấp Hội trong tỉnh Hải Dương đang quản lý đạt 66,7 tỉ đồng. Nhờ được quản lý chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, điều lệ, Quỹ HTND các cấp đang giúp cho 3.854 hộ vay vốn phát triển sản xuất (đạt 98,5% tổng nguồn vốn).
Đáng chú ý, có 9/12 huyện, thị xã, thành phố xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện đạt mức trên 500 triệu đồng gồm: Nam Sách, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kinh Môn, Ninh Giang, thị xã Chí Linh, thành phố Hải Dương. Ngoài ra, trong năm còn có một số đơn vị Hội cũng rất tích cực trong việc vận động, xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND.
Hiện nay, riêng đối với nguồn vốn Quỹ HTND ở cấp xã vận động đang giao cho Hội ND xã trực tiếp quản lý. Có 5 cơ sở Hội xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND đạt mức cao trên 100 triệu
đồng, cụ thể gồm: Xã Tân Hương (huyện Ninh Giang) 134,8 triệu đồng; xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang) 105,1 triệu đồng; xã Tân Việt (huyện Thanh Hà) 124,3 triệu đồng; xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) 112,1 triệu đồng; phường Thạch Khôi (TP. Hải Dương) 113,9 triệu đồng.
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội hiện đang tích cực triển khai cho hội viên, nông dân trong tỉnh vay để đầu tư vào nhiều nhóm ngành nghề và lĩnh vực sản xuất khác nhau theo tỷ lệ: Trồng trọt 30%; chăn nuôi 23%; thuỷ sản 33%; ngành nghề và dịch vụ 14%.
Bên cạnh đó, để tăng tính hiệu quả của nguồn vốn vay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh còn gắn việc cho vay vốn Quỹ HTND với hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập các tổ, nhóm liên kết để thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng giá trị. Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 328 mô hình kinh tế tập thể, mang lại hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập đạt từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm.
Bà Tâm khẳng định: “Nhìn chung, các mô hình đều triển khai có hiệu quả, đồng thời thể hiện rõ vai trò của các cấp Hội trong việc tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Song song với việc tập trung xây dựng mô hình các câu lạc bộ cùng liên kết làm ăn, các cấp Hội còn tổ chức cho nhiều lượt hội viên, nông dân đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để tạo động lực phấn đấu, vươn lên thoát nghèo”.
Nuôi thủy sản, HTX thu về hơn 14 tỉ đồng
Hội nông dân xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện đã gắn việc cho vay vốn Quỹ HTND với hướng dẫn các thủ tục cụ thể để thành lập mô hình nông dân liên kết nuôi thủy sản. Hiện nay, HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết đã xây dựng được mô hình nuôi cá khép kín, đảm bảo chủ động từ việc sản xuất cá giống cho đến tìm thị trường tiêu thụ ổn định đối với sản phẩm đầu ra.
Năm 2005, xã Đoàn Kết có chủ trương chuyển đổi khu gieo cấy lúa kém hiệu quả ở thôn Tòng Hóa sang xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung. Để hỗ trợ người nuôi cá, Hội nông dân xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội nông dân tỉnh Hải Dương mở các lớp dạy nghề nuôi cá nước ngọt cho 35 học viên là ND trong xã. “Mỗi khóa học 3 tháng, các học viên được giáo viên chỉ dạy cặn kẽ kỹ thuật ương cá giống, cá thịt, cách phòng trị bệnh cho đàn cá và cách xử lý môi trường ao nuôi… Không chỉ trang bị lý thuyết mà các học viên còn được thực hành theo kiểu “cầm tay chỉ việc” ngay tại ao nuôi nhà mình. Vì vậy, học đến đâu, bà con áp dụng được ngay đến đó”- ông Bình nhấn mạnh.
Sau khi lớp học nghề kết thúc, Hội nông dân xã thành lập Tổ nông dân liên kết nuôi trồng thủy sản thôn Tòng Hóa với 12 thành viên tham gia ban đầu. Các thành viên được hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật chăm sóc cá, phòng ngừa dịch bệnh… Không chỉ vậy, việc liên kết còn giúp khâu tiêu thụ cá thuận lợi hơn. Theo ông Bình, khi mới ra vùng chuyển đổi, đa số ND còn nghèo, thiếu vốn làm ăn. Để trợ lực cho người nuôi cá, Hội ND xã đã phối hợp với Hội nông dân tỉnh Hải Dương giải ngân 300 triệu nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh cho 15 hộ dân. Theo đó, mỗi hộ được vay 20 triệu đồng.
Bà Ngô Thị Ảnh, một thành viên của HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết cho biết: “Trước đây, khu nuôi thủy sản của thôn là ruộng trũng, kém hiệu quả. Sau khi chuyển đổi, tôi có 1,3 mẫu ao để nuôi cá truyền thống. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp hội về nguồn vốn và kỹ thuật, chúng tôi nuôi cá hiệu quả, cuộc sống ngày càng được cải thiện. Cứ 2 năm, gia đình tôi lại thu hoạch 3 lượt cá, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm”.
Ông Trần Thanh Bình – Chủ tịch Hội ND xã Đoàn Kết cho biết: “Đến nay, khu nuôi thủy sản tập trung thôn Tòng Hóa có 160 ao nuôi của 131 hộ với tổng diện tích gần 60 ha. Tổ ND liên kết nuôi thủy sản ngày nào nay đã phát triển thành HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết. Trung bình mỗi xã viên HTX thu khoảng 30 tấn cá/ha/năm. Mỗi năm, khu nuôi thủy sản này mang về cho người dân doanh thu khoảng 14 tỉ đồng. Nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm”.