Nguồn Quỹ HTND tăng vững mạnh
Theo báo cáo của Hội nông dân tỉnh Nghệ An: Đến nay, 21/21 đơn vị đã tổ chức kiện toàn và thành lập Ban điều hành; được UBND cấp huyện cấp ngân sách xây dựng Quỹ HTND; 250/467 cơ sở Hội đã thành lập Ban vận động xây dựng Quỹ HTND. Có 10 đơn vị được cấp ngân sách luỹ kế đến thời điểm này trên 500 triệu đồng là các huyện: Quỳnh Lưu 900 triệu đồng, Hưng Nguyên 500 triệu đồng, Nghi Lộc 950 triệu, Thành phố Vinh 1,470 tỷ đồng... Nguồn vận động xây dựng Quỹ từ cấp xã là hơn 3,3 tỷ đồng.
Năm 2018, ngân sách tỉnh cấp bổ sung cho Quỹ HTND tỉnh 2,5 tỷ đồng, đã giải ngân cho 61 hộ hội viên, nông dân vay vốn tại 5 cơ sở Hội thuộc 5 đơn vị: Hoàng Mai, Nam Đàn, Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương.
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 54,6 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác 16,7 tỷ đồng; nguồn ngân sách tỉnh cấp 23 tỷ đồng; nguồn tăng trưởng trên 1 tỷ đồng; nguồn cấp huyện quản lý xấp xỉ 14 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Quỹ HTND trên, các cấp Hội đã triển khai cho vay 450 lượt dự án với gần 6.000 hộ hội viên, nông dân vay vốn. Trong đó, hiện nay nguồn Quỹ HTND tỉnh quản lý có 97 dự án, nguồn huyện quản lý có 25 dự án đang dư nợ.
Ông Trần Văn Hường – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Nghệ An cho biết: “Nguồn Quỹ HTND đã góp phần giúp hội viên, nông dân xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, theo hướng hợp tác liên kết. Hiện nay, các dự án sử dụng vốn Quỹ HTND đều đang theo sát chủ trương của cấp ủy địa phương về phát triển kinh tế-xã hội…”.
Nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả
Cũng theo ông Hường, trong năm 2018, Hội ND tỉnh Nghệ An đã ưu tiên phần lớn nguồn Quỹ HTND đầu tư cho các mô hình chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò lấy thịt và sinh sản. Về trồng trọt, đồng vốn quỹ chú trọng đầu tư phát triển cây có múi. Về nghề nông thôn có sản xuất đồ mộc dân dụng, mỹ nghệ…
“Các dự án chăn nuôi bò, dê sinh sản tại các huyện miền núi đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu tại địa phương, đàn gia súc phát triển rất tốt, đem lại giá trị kinh tế thiết thực cho nông dân … Điển hình như, mô hình nuôi trâu tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ. Quỹ HTND cho nhóm 20 hộ vay 575 triệu đồng mua 20 con trâu nái. Sau gần 4 năm, các hộ đã hoàn trả được vốn. Mô hình này cũng được Hội ND tỉnh chỉ đạo nhân rộng ra các huyện miền núi Tương Dương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Quế Phong, Kỳ Sơn... Với nghề mộc, thông qua dự án sử dụng vốn Quỹ HTND tại xã Thái An (Đô Lương) năm 2013, đến nay Hội ND tỉnh chỉ đạo nhân rộng, lan tỏa ra nhiều địa phương khác như Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Yên Thành... Đến nay đã có 3 đơn vị được công nhận làng nghề là thị trấn Nam Đàn, xã Xuân Hòa (Nam Đàn), xã Thái Sơn (Đô Lương)...” – ông Hường phấn khởi cho biết.
Năm 2019, để tiếp tục duy trì và nhân rộng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội ND tỉnh Nghệ An sẽ tập trung tổ chức khảo sát, lựa chọn dự án sử dụng vốn vay Quỹ HTND phù hợp với điều kiện từng vùng, miền. Hội cũng tiếp tục vận động nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp kiểm tra các mô hình trồng trọt, chăn nuôi kịp thời phòng, chống, phát hiện sớm dịch bệnh. Đồng thời, Hội cũng tích cực phối hợp các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa sản phẩm ra tiêu thụ ngoài thị trường.