Tại buổi tập huấn, học viên được ông Mai Đình Lợi - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam triển khai các cơ chế, chính sách, các quyết định của trung ương và UBND tỉnh về chương trình OCOP; lộ trình triển khai xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh; hướng dẫn cách thức lập hồ sơ đăng ký tham gia chương trình OCOP, đề xuất đánh giá sản phẩm OCOP của tỉnh, quốc gia; các hồ sơ, thủ tục liên quan; các quy trình triển khai chấm chọn sản phẩm OCOP theo quy định ở các cấp; bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng OCOP…
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, hội nghị tập huấn lần này trang bị cho cán bộ các đoàn thể phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP theo ngành. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến kinh nghiệm hay về Chương trình OCOP...
Cũng theo bà Quyên, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Từ Chương trình OCOP, số hợp tác xã sản xuất trên địa bàn tỉnh tăng lên; phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh; nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt từ Chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước, nước ngoài như bánh tráng Đại Lộc, tinh dầu sả, quế Tiên Phước, tương ớt Daichi, gạo Phong Thử, nước mắm Cửa Khe, phở sắn Quế Sơn... đã có mặt trên các chuyến bay quốc tế, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn Quảng Nam gia tăng đáng kể, đóng góp quan trọng vào việc nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam.