Kin Chu Phìn nằm ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển, thuộc xã Nậm Pung huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cũng giống như vùng đất nổi tiếng Y Tý nằm cách đó chừng 40km đường, Kin Chu Phìn là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống.
Là vùng đất tụt sâu trong thung lũng với khí hậu quanh năm mát mẻ. Đây còn là nơi có phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ mà hiếm nơi nào có được.
Người Hà Nhì có thói quen sống quần cư. Để chống chọi lại cái rét khắc nghiệt của núi rừng, người dân xây những ngôi nhà trình tường đắp đất, trên phủ mái rơm, cỏ... Theo thời gian, tường và mái nhà mọc thành rêu như những ngôi nhà nấm khổng lồ, mùa đông giữ được ấm, mùa hè lại mát mẻ.
Từ trên thung lũng nhìn xuống, bản Kin Chu Phìn hiện lên đẹp như một bức tranh với lô xô mái cỏ rêu phong, một vẻ đẹp mà người dân bản địa vẫn thường ví như là thung lũng nấm từ trong câu chuyện cổ tích.
Do địa hình hiểm trở và sâu tít nên vùng này gần như nằm tách biệt với cuộc sống của các khu dân cư đông đúc trong huyện. Trẻ em người Hà Nhì ở Kin Chu Phìn vẫn giữ nét hồn nhiên và chân chất vốn có, như tính cách ngàn đời của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng sâu vùng xa.
Những đôi mắt trong veo của trẻ con nơi đây luôn là nỗi ám ảnh, cuốn hút đối với những người lạ mới tới. Ở trong đôi mắt đó là nỗi buồn rất con trẻ, sự ngây thơ trong sáng, hồn nhiên trước bao nỗi khó khăn vất vả trong cuộc sống ở vùng núi rừng xa xôi này.
Ban ngày cha mẹ lên nương, chỉ có lũ trẻ ở lại bản.
Khoảnh khắc hồn nhiên tắm rãnh nước của trẻ con vùng cao, mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp nơi núi rừng Tây Bắc.
Hay hút hồn như ánh mắt ngây thơ trong sáng của một bé gái người Hà Nhì.
Sẵn sàng nô đùa không chút e dè cùng với những vị khách lạ.
Hình ảnh lũ trẻ trong nếp nhà trình tường tại đây. Kin Chu Phìn là vùng đất cổ của người Hà Nhì, nơi hiếm hoi vẫn còn nguyên những nếp nhà trình tường đắp đất truyền thống.
Lũ trẻ vui đùa trong ngày khai giảng năm học mới, cũng là ngày khánh thành điểm trường học tại trung tâm bản.
Thật không quá khi nói những đứa trẻ ở Kin Chu Phìn nói riêng, cũng như trẻ con vùng cao nói chung, là những "bông hoa" đẹp nhất của núi rừng Tây Bắc.