Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 213 ha được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ, trong đó có hơn 124 ha là diện tích chè đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Đức; 19 ha rau với sản lượng khoảng 300 tấn của 5 doanh nghiệp. Trong khi đó, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng hiện đang là 52.776 ha (chiếm 19% diện tích sản xuất).
Tuy nhiên, diện tích và quy mô này vẫn còn khiêm tốn, thị trường cung cấp chủ yếu là ở các siêu thị lớn và kén chọn người tiêu dùng. Sản phẩm rau sản xuất hữu cơ có giá trị cao, tuy nhiên năng suất thấp, giá thành lại cao, vì vậy có giá bán cao hơn gấp nhiều lần so với các sản phẩm rau sản xuất thông thường. Sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp được cung cấp chủ yếu cho các đối tượng tiêu dùng cao cấp như cho các bếp ăn gia đình người nước ngoài, các khách sạn lớn.
Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà sản xuất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho rằng, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững thì cần tạo bước đột phá, đầu tiên là cần thay đổi cơ chế chính sách của tỉnh Lâm Đồng để tạo ra khu vực sản xuất riêng cho sản xuất hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ không thể lẫn lộn, đại trà giữa vùng sản xuất VietGap.
Ngay tại Lâm Đồng, hiện có một số doanh nghiệp sản xuất hữu cơ nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn không tăng được sản lượng, bình quân mỗi tháng chỉ đạt dưới 5 tấn thì khó bù đắp được chi phí sản xuất.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số cây trồng có tiềm năng sản xuất hữu cơ chưa được nghiên cứu, thực hiện để phố biển và chuyển giao cho sản xuất theo hướng hữu cơ; sản xuất, phân phối nguyên liệu đầu vào để sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhiều sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc, sinh học chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ...
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện nay địa phương có nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ do chưa có quy hoạch, kế hoạch hình thành cảc vùng sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất hữu cơ. Sản xuất hữu cơ cần có các vùng quy hoạch biệt lập để giảm tác động vào sản xuất.
Do thâm canh cao và điều kiện thời tiết nên nhiều loại dịch hại phát triển thường xuyên, người sản xuất có tập quán sử dụng cảc loại thuốc bảo vệ thực vật với tần suất cao để quản lý dịch hại.
Trong khi đó, người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó có thể phân biệt được sản phẩm hữu cơ và không hữu cơ, chính vì vậy dù nhu cầu thị trường cao nhưng sản phẩm rau hữu cơ vẫn khó bán, chỉ các tổ chức, cá nhân có hợp đồng trước, với đầy đủ chứng nhận hợp lệ mới có thể đứng vững trên thị trường.