Tân Uyên chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Ngọ Doãn Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên, cho biết: Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn, thể, các xã, thị trấn và sự nỗ lực của bà con nông dân trong huyện, tình hình sản xuất nông nghiệp ở Tân Uyên, đã có nhiều khởi sắc. Không chỉ quan tâm lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, huyện Tân Uyên còn đặc biệt chú trọng tới lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tân Uyên đã và đang thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, sau đó đưa các giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất. Hiện, toàn huyện Tân Uyên có gần 2ha diện tích nhà màng, được các chủ thể thường xuyên sản xuất luân canh, gối vụ các giống cây trồng chất lượng cao. Các chủ thể chủ yếu đưa các giống cây như: Dưa, cà chua, ớt… vào trồng trong nhà màng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, cung cấp ra thị trường các sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Đình Tuyên – cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên, chia sẻ: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên là đơn vị đầu tiên ở huyện Tân Uyên trồng dưa lưới trong nhà màng, với diện tích khaongr 2000m2. Sản xuất trong nhà màng có nhiều ưu điểm vượt trội so với trồng ngoài trời. Trồng dưa lưới, cà chua hay bất kỳ giống cây nào khác trong nhà màng không chỉ tiết kiệm được công lao động, mà còn quản lý, hạn chế được sâu bệnh hại.
Được biết, đầu ra cho các sản phẩm sản xuất trong nhà màng của các chủ thể ở Tân Uyên, khá ổn định. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã ở Tân Uyên đã có sự móc nối, liên kết, tìm kiếm nguồn đất đai thuận lợi, để cùng nhau sản xuất một giống cây trồng ổn định, tạo sản lượng lớn, thường xuyên cung cấp ra thị trường.
Khó khăn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tân Uyên
Theo anh Tuyên, các chủ thể dự kiến sẽ đầu tư trồng dưa vàng. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tân Uyên. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao mà các đơn vị đang thực hiện trồng gồm các giống cà chua: nova vàng, socola, nho xanh và dưa leo baby, dưa lưới cho năng suất và giá bán ổn định. Các doanh nghiệp đang tiến hành san gạt mặt bằng, thiết kế triển khai xây dựng nhà màng với diện tích 3ha tại xã Pắc Ta, nâng tổng diện tích đến hết năm nay dự kiến khoảng 5ha.
"Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư khá cao. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tân Uyên. Phần lớn các chủ thể đầu tư nhà màng là hợp tác xã và doanh nghiệp, số hộ cá thể tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, do nguồn lực hạn hẹp. Hiện huyện Tân Uyên đang triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Lai Châu. Chính sách hỗ trợ này phần nào giúp các chủ thể giảm bớt được "gánh nặng" về chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên cho hay.
Thời gian tới, huyện Tân Uyên tiếp tục ưu tiên thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong đó mục tiêu chính là xây dựng nhà màng. Các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạng dạn hơn trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…