Chúng tôi có dịp ghé về Tây Ninh tham quan vườn bầu hồ lô và được tận mắt xem ông Vinh tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ trái bầu hồ lô. Chia sẻ về sản phẩm của mình, ông Vinh cho biết: "Bầu phải được trồng vào mùa nắng, làm giàn, chọn giống chất lượng, chọn loại bầu lớn nhưng có eo thon, nhỏ mới đẹp. Bình quân 1 công đất trồng 600 dây bầu, mỗi một dây đậu từ 10 trái, như vậy có thể thu hoạch được 6.000 trái. Để làm ra một sản phẩm từ bầu hồ lô phải trải qua các công đoạn như xử lý vỏ, phơi khô, lấy ruột, khắc thủ công hoặc laser, sơn và công đoạn cuối là lắp đèn".
Bầu sau khi thu hoạch được phơi sấy, xử lý, qua đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo, ông Trần Công Vinh đã “biến” những quả bầu hồ lô đơn thuần thành chiếc đèn để bàn, treo tường nhiều họa tiết. Ánh đèn hồ lô không sáng rực như những loại đèn bình thường, đèn hồ lô tạo ra một không gian ấm cúng với những họa tiết lạ mắt, đủ để khơi dậy sự thích thú, tò mò cho những ai chiêm ngưỡng nó.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, ông tâm sự: “Ngày xưa ở vùng này không có bầu khô nên phải lặn lội xuống tận TP Hồ Chí Minh để mua từng trái bầu mang về làm cho thỏa sức đam mê. Do không có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nên gặp rất nhiều khó khăn, thất bại”.
Không nản chí, ông chịu khó lên mạng học hỏi, cần mẫn luyện vẽ, tập điêu khắc. Sau gần 2 năm mày mò, nghiên cứu, cuối cùng ông cũng đã chế tác thành công nhiều sản phẩm như đèn ngủ, đèn để bàn, đèn treo tường, bình đựng rượu, bình phong thủy... có giá từ 150.000- 700.000 đồng, tuỳ theo kiểu dáng, kích thước.
Đặc biệt, sản phẩm đèn hồ lô để bàn của ông được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019.