dd/mm/yyyy

Nuôi vịt biển an toàn sinh học vừa dễ, vừa hiệu quả

Theo Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Hà Nội), giống vịt biển 15 do Trung tâm nghiên cứu, chọn tạo có khả năng thích nghi rộng, có thể nuôi được cả ở nước ngọt, nước lợ và nước mặn nên chúng rất thích hợp nuôi ở những vùng cửa sông, cửa biển và tại các đảo.

Trước đây, chăn nuôi vịt ở các vùng ven biển đòi hỏi phải đảm bảo nguồn nước trong quá trình phát triển của vịt, bởi vào mùa khô, nguồn nước ngọt trên các ao đìa không còn, vịt rất khó phát triển, do phần lớn là đất ngập mặn. Nhưng bây giờ, với giống vịt biển, vấn đề trên không còn là khó khăn đối với bà con nông dân.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng thức ăn trước khi cho vịt ăn.

Theo Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, vịt biển là loại thủy cầm có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh, chống chịu dịch bệnh tốt, đặc biệt chăn nuôi loài vịt này không cần vốn đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, khả năng tự săn mồi rất tốt.

Với những đặc điểm đó, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh triển khai mô hình nuôi vịt biển ở ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang với 2 hộ tham gia, mỗi hộ nhận nuôi 250 con vịt biển và được hỗ trợ 100% tiền giống, 30% thức ăn hỗn hợp theo từng giai đoạn nuôi. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, hiện mỗi con có trọng lượng từ 3 - 3,2kg/ con. Theo tính toán của các hộ tham gia mô hình, với giá bán từ 42.000 – 45.000 đồng/kg, bình quân mỗi con có trọng lượng 3kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con vịt có thể đem về lợi nhuận trên 30.000 đồng, sau 3 tháng nuôi.

Tương tự, nhận thấy giống vịt biển có đặc điểm sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện địa phương, năm 2014 Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ninh đã triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ chăn nuôi vịt biển 15 cho 8 hộ dân tại Đồng Rui (huyện Tiên Yên).

Thực tế chăn nuôi cho thấy, giống vịt biển 15 chịu dịch bệnh tốt, tỷ lệ đẻ trứng cao, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Hiện xã Đồng Rui đã phát triển đàn vịt biển lên hơn 10.000 con, sản lượng trứng 7.000 – 8.000 quả/tháng.

Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên cũng đã phổ biến quy trình kỹ thuật nuôi vịt biển an toàn sinh học. Theo đó, giống vịt biển có thể được nuôi theo các phương thức khác nhau như nuôi nhốt trên cạn không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt theo mô hình cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt.

Chuẩn bị chuồng trại: Khu chăn nuôi phải có tường rào bao quanh, không nuôi chung giữa các loài gia súc và gia cầm; chuồng trại phải phù hợp cho từng giai đoạn của vịt: vịt con, vịt hậu bị, vịt sinh sản.

Chuồng trại cho vịt nên làm đơn giản nhưng phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; có thể làm bằng lưới, tre, nứa, lá hoặc làm sàn trên ao hồ, trên bè. Nền chuồng rải trấu, phôi bào hoặc rơm rạ băm nhỏ. Thường xuyên bổ sung độn chuồng, riêng chuồng vịt sinh sản độn chuồng dày 10 - 15cm. Các ô chuồng không nên quá rộng, mỗi ô tối đa 200 con vịt. Ngoài ra, giống vịt biển nếu nuôi nhốt nên có sân chơi cho vịt (diện tích tối thiểu phải gấp đôi diện tích chuồng nuôi).

Chọn giống:

Khi nuôi phải chọn đúng giống, đúng chủng loại. Không nên tận dụng những đàn thương phẩm để nuôi làm đàn bố mẹ sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất. Trong chăn nuôi vịt có 3 giai đoạn chọn: vịt 1 ngày tuổi; vịt 56 ngày tuổi và chọn vịt lên sinh sản. Ở giai đoạn nào cũng cần chọn những con nhanh nhẹn, khỏe mạnh, không khô chân, nặng bụng, khoèo chân, hở rốn. Nuôi vịt bố mẹ phải chọn đực/mái theo tỷ lệ  1/5 hoặc 1/6.

Thức ăn: Có thể cho vịt ăn gạo, thóc, ngô, đỗ tương, tấm, cám, cá tép, cua, ốc, don, dắt, bã bia, bã rượu, khoai, rau bèo… Nếu thức ăn được nấu chín thì khả năng tiêu hoá và hấp thụ tốt hơn, vịt lớn nhanh và hiệu quả kinh tế hơn. Lưu ý không được sử dụng thức ăn bị mốc và ôi chua.

Thiên ngân