Đến nay, bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân sau sự cố môi trường biển do Formosa. Ngành NN&PTNT cùng với các địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phục hồi môi trường biển, khôi phục sản xuất.
Vùng biển miền Trung sôi động trở lại một cách ngoạn mục. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích.
Không còn đìu hiu, bỏ trống diện tích sau sự cố môi trường biển, vùng nuôi tôm Đầu Cầu, thôn Sơn Tây, xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh) đã và đang sôi động trở lại. Nhất là từ khi người nuôi tôm cầm trên tay hàng trăm triệu đồng tiền bồi thường do ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển. Người nuôi tôm phấn khởi hẳn, họ tiếp tục đầu tư tái sản xuất.
Anh Hồ Minh, một chủ ao tôm ở thôn Sơn Tây chia sẻ, nhớ lại những tháng ngày mới xảy ra sự cố môi trường nghề nuôi tôm chịu “thiệt đơn, thiệt kép”. Giá cả rơi tụt đáy, đã thế tôm đến thời kỳ thu hoạch không ai mua, một diện tích đang thời kỳ phát triển thì chết dần chết mòn do nguồn nước ô nhiễm. Nhiều người trong vùng và cá nhân anh chẳng dám đầu tư vì sợ thất bát, có chăng cũng chỉ nuôi cầm chừng. Đến cuối năm 2016 gia đình anh được bồi thường hơn 400 triệu đồng, lúc này thị trường tiêu thụ cũng bắt đầu nhộn nhịp trở lại nên anh tiếp tục thuê máy về cải tạo ao đầm, mua sắm thêm máy bơm, quạt gió, đầu tư giống, thức ăn thả nuôi vụ mới. Nhờ đầu tư bài bản, kỹ thuật chăm sóc tốt nên vụ tôm xuân hè 2017 anh thu về hơn 20 tấn tôm thẻ chân trắng, trừ chi phí anh “đút túi” gần 500 triệu đồng.
Vừa thu hoạch được vài tấn tôm, lại bán được giá, anh Lê Quang Hào chủ đầm tôm ở thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) không giấu được niềm vui cho biết, vụ tôm xuân hè 2017 dù mới thu hoạch một phần diện tích nhưng sản lượng đã đạt gần 2 tấn tôm thương phẩm, bán với giá 90.000 đồng/kg, tính sơ sơ vụ này anh thu về cả trăm triệu tiền lãi. “Sau khi nhận hơn 140 triệu đồng tiền bồi thường sự cố môi trường biển tôi vay thêm một ít vốn nữa cải tạo lại toàn bộ ao hồ, chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh. Thật mừng, đợt thu hoạch này tôm bán được giá nên lợi nhuận đạt cao”, anh Hào phấn khởi.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện cho hay, toàn xã có 83 hộ dân nuôi trồng thủy sản với hơn 50ha nuôi tôm thương phẩm; 15ha nuôi ngao và 2ha nuôi cá lồng bè. Sự cố môi trường biển đã tác động rất lớn đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Nhưng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc chi trả kịp thời tiền bồi thường cho người dân; ban hành một số chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất, đến nay cơ bản 100% diện tích nuôi trồng thủy sản của Kỳ Hà đã sản xuất ổn định trở lại.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4.2016 đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, lĩnh vực thủy sản chịu nhiều thiệt hại nặng nề với trên 2.700 ha nuôi trồng thủy sản mặn lợ bị ảnh hưởng.
“Hơn một năm qua cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, thôn xóm đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương thực hiện việc kê khai, thẩm định, phê duyệt chi trả bồi thường cho 2.500 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn với tổng số tiền 250 tỉ đồng”, ông Hoàng nói.
Được biết, thời gian gần đây khắp các vùng biển, tuyến sông người dân thi nhau đầu tư nuôi tôm thâm canh, phát triển các vùng nuôi tập trung và áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nhiều hình thức nuôi cá, nhuyễn thể ở một số địa phương cũng đang mở rộng diện tích, du nhập các đối tượng nuôi mới... góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng hiệu quả, bền vững.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ trên địa bàn toàn tỉnh thả nuôi đạt 100% kế hoạch, với tổng sản lượng nuôi trồng 7 tháng đầu năm 2017 đạt gần 5.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó nuôi tôm trên cát 550 tấn, đạt 27,5% so kế hoạch.