dd/mm/yyyy

Nuôi gà thả vườn bằng thảo dược giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Phương pháp nuôi gà thả vườn bằng thảo dược giúp cho người nuôi giảm chi phí thức ăn, thuốc và tăng lợi nhuận, mở hướng làm giàu.

Chị Lê Thị Na là một trong những hộ dân tộc thiểu số PaHy đầu tiên áp dụng thành công mô hình nuôi gà thả vườn bằng thảo dược tại xã Phong Mỹ, (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Đây là phương pháp nuôi kiểu mới đang được nhiều hộ dân học hỏi để áp dụng.


Nuôi gà thả vườn bằng thảo dược thích hợp với vùng gò đồi

Lợi nhuận tăng nhờ giảm chi phí

Đến thăm nhà chị Lê Thị Na (thôn Hạ Long) tổ trưởng Tổ sản xuất gà Phong Mỹ đúng dịp đang xuất chuồng 300 con gà Ri nuôi thả vườn bằng thảo dược đầu tiên. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, đàn gà phát triển khỏe mạnh, đạt từ 1,1kg – 1,5 kg/con. Chị Na tự tin chia sẻ: “Với lứa gà thả vườn này, nếu ổn định bán được giá từ 95.000 đồng đến 120.000 đồng/1kg thì vợ chồng tôi sẽ bỏ túi từ 18 – 20 triệu đồng tiền lãi”.


Nuôi gà thả vườn bằng thảo dược sẽ giảm chi phí cho người nuôi.

Nuôi gà thảo dược đã giảm đáng kể thiệt hại do bệnh dịch. Trước đây, nếu phải tiêm cho gà đủ các loại vắc xin H5N1, bệnh khò khè, đau bụng… gà vẫn mắc dịch bệnh chết từ 50 – 60% thì bây giờ chị Na chỉ cần thay thuốc kháng sinh bằng bột thảo dược, kết hợp vacxin và khoáng chất đầy đủ nên số gà chết do bệnh dịch hầu như không có trong toàn vụ nuôi. Các thảo dược này được chế biến hoàn toàn từ những cây “gia vị” gần gũi với người nông dân như: tỏi, húng quế, sả và cam thảo.

Chị Na cho biết: “Trước đây, việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ khiến sức đề kháng của gà ngày càng yếu, chất lượng thịt không thơm ngon, có vị tanh. Hơn nữa, nếu còn dư lượng kháng sinh trong thịt gà sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”.
Từ những trăn trở, chị Na cùng các chị em khác mạnh dạn đề xuất sáng kiến nuôi gà theo hướng thảo dược với mong muốn khắc phục những hạn chế của cách nuôi gà truyền thống để nâng cao năng suất và chất lượng tốt hơn.

Khai thác tiềm năng vùng gò đồi

Sáng kiến nuôi gà thả vườn bằng thảo dược được phát triển bởi Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) – Trường Đại học Nông lâm Huế và người dân xã Phong Mỹ thông qua dự án “Nâng cao hiệu quả xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Dự án do tổ chức Irish Aid tài trợ và thực hiện trong năm 2016.

Nhận thấy tiềm năng đất đồi, vườn tạp của xã rất lớn nhưng chưa khai thác có hiệu quả. Từ đó, chính quyền và nhân dân xã Phong Mỹ có những sáng kiến phát triển sản xuất đề xuất dự án hỗ trợ, hoạt động nuôi gà theo hướng thảo dược là một trong những sáng kiến được hỗ trợ thông qua hình thức tổ sản xuất.

Để thực hiện được việc này, cán bộ chính quyền và người dân địa phương đã tiến hành khảo sát thực địa, đánh giá tình hình chăn nuôi và xây dựng đề án. Người dân đề xuất và hoàn thiện sáng kiến, chính quyền và cán bộ tư vấn dự án chỉ giữ vai trò góp ý bổ sung. Dự án hỗ trợ giống gà Ri (tuyển chọn từ Viện Chăn nuôi), ít thức ăn, vacxin, thảo dược, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ phát triển thị trường còn người dân góp thức ăn, chăm sóc và quản lý,… Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân, chính quyền và dự án nên hoạt động chăn nuôi gà theo hướng thảo dược đã mang lại kết quả tốt ngay từ vụ nuôi đầu.

Là những người tiên phong tiếp cận phương thức chăn nuôi mới nên ban đầu các hộ chăn nuôi còn nhiều bỡ ngỡ nhưng khi tham gia hết tiến trình can thiệp thì người dân đã tự tin hơn với những gì mình đã được học và áp dụng vào thực hành. Sau lứa nuôi gà đợt 1, chị Na đã rút ra bài học kinh nghiệm: “Nuôi gà thảo dược quan trọng là mình phải tuân thủ phương pháp và quy trình nuôi gà chặt chẽ. Bên cạnh đó, tỉ lệ và thời gian cho gà ăn thảo dược đúng và đủ thì sẽ có khả năng thành công cao hơn”.

Thông qua tổ sản xuất, các hộ cũng như chị Na đã cùng chủ động thông báo đến nhau khi thời tiết thay đổi hay lúc gà có dấu hiệu mắc bệnh để kịp thời bàn bạc tìm hướng giải quyết.


Nuôi gà bằng thảo dược đã giúp chị Na tăng thu nhập

“Chúng tôi mong dự án tiếp tục giúp đỡ cho đi tham quan học tập các mô hình gà thảo dược đã thành công, hỗ trợ trong khâu quảng bá đến người tiêu dùng về gà thảo dược Phong Mỹ””, chị Lê Thị Na tha thiết.

Nhờ được nuôi với quy trình chặt chẽ, sản phẩm gà thảo dược Phong Mỹ dù còn mới lạ nhưng các thông tin về quá trình sản xuất được chia sẻ công khai nên được nhiều người quan tâm hơn trong bối cảnh thực phẩm bẩn, hóa chất tràn lan trên bàn ăn của mỗi gia đình.

Nhiều hộ dân cũng hồ hởi tham gia mô hình nuôi gà bằng thảo dược 

Chị Châu Thị Thu Hà (Đường Lương Y, TP Huế) một người được thưởng thức gà thảo dược của nhà chị Na hào hứng: “Gia đình tôi ăn thử gà thảo dược ai cũng khen gà không có vị tanh mà da vàng, thịt gà mềm ngọt và có độ dai vừa phải nên làm các món luộc, nướng đều thơm ngon.Tôi nghĩ nếu như chị Na phát triển mô hình này tôi sẽ là khách hàng thường xuyên của gà thảo dược”.

Mô hình nuôi gà thả vườn bằng thảo dược đã và đang đáp ứng tiêu chí về nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới, là hướng đi phù hợp tiềm năng thị trường khi nhiều người tiêu dùng “săn đón” và sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm sạch.

Bảo Hòa