Lãi nửa tỷ khi nuôi 2.000 con cá tầm
Cá tầm là loại cá xương sụn, hệ thống xương và đầu cá đều cấu tạo từ sụn. Cá có lớp da dầy, nhám, thân không vảy, đuôi cá chẻ đôi, miệng cá nhỏ, không răng, nằm ngang, mũi dài nhọn có 4 râu cứng. Là loài cá cho thịt giàu chất dinh dưỡng, nuôi cá tầm đẻ trứng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Năm 2011, ông Ngô Kim Luận, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) nuôi thử nghiệm 2.000 con cá tầm. Ông Luận thả nuôi số cá này trên 7 lồng nuôi (25m2/ lồng) trên hồ thủy điện Đăk R’Tih ở địa phương.
Sau 10 tháng nuôi cá tầm đẻ trứng có trọng lượng từ 2-3kg/ con, giá bán từ 240.000 - 450.000 đồng/kg tùy thời điểm (Ảnh: Phú Lãm).
Ông Luận kể, cho cá tầm ăn giun quế, tôm, tép và cá nhỏ, kết hợp cám công nghiệp. Khi cá còn nhỏ, ông cho ăn 4 bữa/ngày, đến khi cá đạt trọng lượng 1kg/ con, giảm xuống cho ăn 2 bữa. Sau 10 tháng nuôi, ông Luận thu hoạch cá tầm, lúc này, trung bình cá nặng 2kg/con. 4 tấn cá thu được, ông Luận bán với giá 450 nghìn đồng/ kg thu về 1,8 tỷ đồng. Trang trải chi phí đầu tư lồng nuôi, tiền con giống và thức ăn, ông Luận được lãi hơn nửa tỷ đồng.
Từ bước đi thành công, ông Luận tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô nuôi cá tầm đẻ trứng. Tấm gương “người thật việc thật” của ông trở thành bài học làm giàu chân thực, gợi mở cơ hội thoát nghèo cho nhiều người.
Tiềm năng thị trường trứng cá tầm
Một thoáng quang cảnh trang trại cá tầm ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình) của luật gia Nguyễn Trọng Cử (Ảnh: Phú Lãm).
Cũng say nghề nuôi cá tầm đẻ trứng, 5 năm trước, luật gia Nguyễn Trọng Cử (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức hiện tại – PV) rời Cộng Hòa Liên Bang Đức trở về quê hương Việt Nam đầu tư mở trại nuôi cá tầm.
Qua khảo nghiệm, ông Cử mở trại nuôi cá tầm đầu tiên tại Sa Pa. Sau đó, lần lượt 4 trại nuôi khác gồm: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Lang Chánh (Thanh Hóa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Đà Bắc (Hòa Bình) được mở thêm.
“Việt kiều say mê cá tầm” chia sẻ, ông tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi với giống và thức ăn nhập khẩu từ Châu Âu, sử dụng nguồn nước sạch tinh khiết, nói không với chất tăng trọng. “Cá tầm nuôi tại Việt Nam phát triển tốt, sau 10 tháng, trọng lượng trung bình đạt 2,5-3kg/ con. Có những con nuôi 4 năm nặng 15-22kg. Sản phẩm được bán trong chuỗi nhà hàng của công ty, và được nhiều nhà hàng nổi tiếng ở miền Bắc đặt hàng”, ông nói.
Ông Nguyễn Trọng Cử (người ở giữa) vinh dự đón Phó Thủ tướng Cộng hòa Uzbekistan Mirzaev Zoyir (bên trái) tới thăm mô hình nuôi cá tầm sạch tại trang trại cá tầm ở Đà Bắc, Hòa Bình (Ảnh: Danviet.vn/ Phú Lãm).
Mỗi năm, không chỉ cung ứng hàng triệu con cá tầm giống, ông Cử xuất bán trên 100 tấn cá thương phẩm (27 triệu đồng/ tấn) và hàng chục kg trứng cá tầm với giá 35 triệu đồng/ kg (gần 2.000 USD/ kg).
Nói đến trứng cá tầm, từ nhiều thập kỷ trước, trứng cá tầm đã có giá trị thuộc top 10 món ăn xa xỉ nhất hành tinh. Hiện tại, 1kg trứng cá tầm đen (Osetra) dao động từ 1.500-6.000 USD. Đặc biệt, trứng cá tầm trắng (Beluga) có giá tới 10.000 USD/ kg (tức hơn 200 triệu đồng/ kg – PV).
Nhân viên của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức bắt cá tầm của trang trại lên cân để kiểm tra trọng lượng.
Trong khi, nhu cầu mua trứng cá tầm trên thế giới lên đến 3.000 tấn/năm thì hiện, số lượng cung vẫn không đủ cầu. Điều này, bắt nguồn từ một số nguyên nhân như nguồn cá tầm tự nhiên ngày càng khan hiếm. Ở một số nước Châu Âu người chủ phải nuôi từ 12-15 năm cá tầm mới đẻ trứng, chưa kể, số lượng trứng chỉ chiếm 10-15% trọng lượng cơ thể cá.
Đặc sản trứng cá tầm được bán giá gần 2.000 USD/ kg tại Nhà hàng Thác Bạc
Còn tại Việt Nam nuôi cá tầm đẻ trứng ở nhiệt độ 16-28 độ C, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn nuôi tại Châu Âu khoảng 2 lần, cá tầm 4-6 năm tuổi đã cho trứng đáng kể. “Việt Nam hiện được đánh giá là 1 trong 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới. Qua đó thấy rằng nghề nuôi cá tầm khai thác trứng có triển vọng lớn. Dù vậy, chi phí đầu tư hệ thống máy móc chế biến, bảo quản rất đắt đỏ, quy trình nuôi đòi hỏi kỹ thuật cao chỉ phù hợp với những công ty giàu vốn, chuyên nghiệp”, một chuyên gia thủy sản khuyến cáo.